Ông Aleksander Ceferin so sánh nhóm sáng lập Super League với những người tin Trái Đất có hình phẳng chứ không phải hình cầu. Chủ tịch UEFA có lý do để tự tin như thế.
"Tôi chẳng có vấn đề gì với họ (Barcelona, Real Madrid và Juventus - nhóm vẫn giữ ý định lập Super League)", ông Ceferin nói với Le Journal du Dimanche đầu tuần này. "Nhưng các CLB đó đâm sau lưng tôi và UEFA".
Chủ tịch UEFA khẳng định: "Những người đứng đầu của 3 CLB kể trên tin rằng Super League vẫn tồn tại, giống như cách một số người tin rằng Trái Đất có hình phẳng vậy. Chính Barca, Real hay Juventus cùng lúc đó nộp đơn xin đá Champions League mùa này".
Phát biểu của Chủ tịch UEFA diễn ra chỉ chưa đầy 24 giờ đồng hồ trước khi ông Nasser Al-Khelaifi bán thành công gói bản quyền truyền hình Champions League mới. Đây được xem là đòn đánh quyết định của LĐBĐ châu Âu với kế hoạch Super League.
Super League khó hồi sinh?
UEFA thành công trong việc gói bản quyền truyền hình Champions League giai đoạn 2024-2027 với giá 15 tỷ euro, theo ESPN. Giá bản quyền truyền hình của sân chơi này (Champions League - PV) tăng 40% so với hiện tại.
Ông Al-Khelaifi, người được cho hậu thuẫn UEFA và Ceferin trong cuộc chiến chống lại Super League, đóng vai trò quan trọng ở vụ mua bán. Chủ tịch của Paris Saint-Germain cũng đứng đầu Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu (European Club Association - ECA), sau khi Chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli từ chức vào tháng 4/2021.
Ông Agnelli cùng với Florentino Perez (Real Madrid) và Joan Laporta (Barcelona) là 3 lãnh đạo kiên trì nhất trong việc sáng lập Super League. Nhưng hiện tại, việc Khelaifi thành công trong việc nâng giá bản quyền truyền hình Champions League lên 40% cho thấy vị thế mới của doanh nhân người Qatar ở bóng đá châu Âu.
"Đây là bình minh mới cho Champions League", người đứng đầu PSG khẳng định. "Diện mạo và sức mạnh của các CLB châu Âu sẽ thay đổi".
UEFA dự kiến số tiền thưởng và bản quyền truyền hình mà các CLB dự Champions League nhận có thể tăng lên 5 triệu euro/mùa. Hiện tại, các đội đá Champions League nhận khoảng 3,6 triệu euro/mùa.
Ông Khelaifi và UEFA hy vọng khoản tiền mới có thể giúp các CLB châu Âu tăng ngân sách, giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính do dịch bệnh gây ra trong hai năm qua. Với nguồn tiền mới từ UEFA, nhiều CLB châu Âu có thể từ bỏ hoàn toàn tham vọng thành lập Super League.
"Chẳng có ai muốn Super League ra đời, ngoại trừ những người nghĩ rằng bóng đá chỉ để kiếm tiền", ông Ceferin cam đoan. "Nếu những người đứng đầu của Juventus, Real Madrid hay Barcelona muốn ngồi lại với UEFA, tôi sẽ sẵn sàng. Nhưng các vụ kiện của họ sẽ không thành công đâu".
Tháng 4/2021, có tới 12 CLB cam kết thành lập Super League. Đến nay, chỉ Juventus, Real Madrid và Barcelona còn giữ ý định tạo ra giải đấu kể trên. 3 chủ tịch của các CLB kể trên được cho ấp ủ ý định tái khởi động dự án Super League trong năm 2022.
Vào cuối năm ngoái, ông Perez từng tổ chức bữa ăn trưa cùng hai người đồng cấp Laporta và Agnelli ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Theo giới quan sát, Super League khó hồi sinh chỉ với ý chí của ba nhà lãnh đạo kể trên. Nhóm 6 đội bóng của Premier League gần như không còn ý định tham dự Super League, bởi phản ứng dữ dội từ người hâm mộ và chính quyền Anh.
Ed Woodward, người có tiếng nói đáng kể trong việc đưa các CLB Anh tham gia dự án Super League, vừa hoàn tất việc rời Manchester United. Truyền thông Anh đánh giá sự rời đi của Woodward có nguyên nhân lớn đến từ phản ứng của cổ động viên Manchester United với dự án Super League.
Chỉ trích nhắm vào UEFA
Tuy nhiên, ngay cả khi dự án Super League bị khai tử, ông Ceferin và các cộng sự vẫn hứng chịu không ít chỉ trích từ dư luận. UEFA sẽ giữ tới 51% số tiền trong gói bản quyền truyền hình mới giá 15 tỷ từ đối tác, theo The Times. Các CLB tham dự Champions League chỉ nhận 49% trong số tiền kể trên.
Chủ tịch Real Madrid, Perez, từng khẳng định rằng UEFA quá tham lam khi nhận phần lớn số tiền bản quyền truyền hình từ Champions League. Ông Agnelli thì ám chỉ các CLB dự giải đấu mới là những người làm nên giá trị cho Champions League, và họ xứng đáng nhận nhiều tiền hơn.
Trong khi đó, UEFA cho rằng việc phân chia tiền bản quyền truyền hình Champions League hiện tại khá hợp lý. Tổ chức quyền lực hàng đầu của bóng đá châu Âu sẽ sử dụng nguồn lực tài chính từ Champions League cho việc phát triển bóng đá nữ, chống phân biệt chủng tộc hay tăng cường cơ sở vật chất cho các CLB yếu hơn ở lục địa già.
Việc UEFA có mối quan hệ thân thiết với Khelaifi và các ông chủ người Qatar của PSG cũng khiến họ nhận nhiều chỉ trích. Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez chỉ ra rằng bóng đá châu Âu đang tồn tại tình trạng vài CLB nhận được sự hỗ trợ tài chính bừa bãi từ vài quốc gia hay các nguồn lực khác bên ngoài, gây ra sự bất công.
"Super League là dự án sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát tài chính được tôn trọng nghiêm ngặt", ông Perez nói vào tháng 11/2021.
Thể thức thi đấu hiện tại của Champions League cũng bị chê là nhàm chán và khó thu hút giới trẻ trong tương lai. "Nhiều người trẻ không còn hứng thú với bóng đá.", doanh nhân người Tây Ban Nha khẳng định.
Ông Ceferin và các cộng sự đứng trước áp lực phải cải tổ giải đấu hàng đầu châu Âu cấp CLB. Ở mùa 2021/22 này, UEFA quyết định bỏ luật bàn thắng trên sân khách ở vòng knock-out Champions League. Từ mùa giải 2024/25, Champions League sẽ nâng số đội tham dự lên 36 với thể thức thi đấu có nhiều thay đổi.
Đó chỉ mới là bước đi đầu tiên trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của UEFA. Họ còn nhiều việc phải làm để xoa dịu các CLB thành viên.
Ý kiến ()