Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:07 (GMT +7)
Tác hại khôn lường của việc thường xuyên thức khuya
Thứ 6, 09/06/2023 | 21:53:04 [GMT +7] A A
Nhiều người trẻ hiện nay thường xuyên thức khuya và nó đã trở thành thói quen khó bỏ của họ.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, thức khuya quá nhiều có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần, cảm xúc và hành vi của người trẻ.
3h sáng, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, anh Nam (TP Hà Nội) thức với những ánh sáng yếu ớt phát ra từ màn hình máy tính. Do lượng công việc lớn, anh Nam thường xuyên phải thức khuya để hoàn thành kịp tiến độ.
"Trung bình một ngày mình ngủ từ 3 - 4 tiếng. Từ khoảng 3h sáng đến 8h sáng. Mình nóng tính hơn và không tập trung để làm việc được. Đến công ty thì mình hay ngủ gật", anh Nguyễn Hoài Nam, lập trình viên, TP Hà Nội, chia sẻ.
Một bạn nữ 26 tuổi, từng có khoảng thời gian nghỉ việc tại công ty cũ. Những hoài nghi về năng lực của bản thân khiến bạn mất ngủ.
"Khi mình không ngủ được thì mình càng tìm cách khiến cho mình buồn ngủ bằng cách lướt điện thoại. Đỉnh điểm có những ngày mình thức trắng đến 13h chiều hôm sau mới có thể ngủ lại được. Chính vì thế nên lúc nào mình cũng cảm thấy uể oải và không muốn bắt tay vào làm bất cứ việc gì cả", bạn nữ 26 tuổi cho biết.
Lờ đờ, uể oải, thiếu tập trung là những hậu quả của việc thức khuya đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Không ít người phải nhờ đến sự can thiệp của y học. Theo bác sĩ, các bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 15 - 25 tuổi. Đáng nói, cứ 10 bạn, có đến 6 bạn thức khuya do sử dụng mạng xã hội. Khi thói quen xấu đặt sai chỗ, sức khỏe của nhiều người cũng bị giảm sút.
"Thực trạng giới trẻ thức khuya là tình trạng đáng báo động. Thức khuya tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Các vấn đề và lo âu trầm cảm chẳng hạn. Vì khi thức khuya, khả năng kiểm soát cảm xúc kém, mệt mỏi, dễ cáu gắt", bác sĩ tâm lý Lương Thị Ngư nhận định.
Một công bố trên tạp chí Neuroscience của Mỹ cho thấy, việc ngủ ít hơn 5 giờ một đêm khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 8 lần so với người bình thường. Vì vậy, các bạn trẻ cần tự tạo cho mình thói quen sống khoa học, tránh trẻ hóa bệnh tật và các bệnh lý khi về già.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()