Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Tạc tượng Bác Hồ bằng đất sét nung
Chủ nhật, 15/05/2022 | 10:56:07 [GMT +7] A A
Để thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công ty CP Gốm Đất Việt phối hợp với một số họa sĩ, nghệ nhân, nhà điêu khắc thực hiện dự án tạc tượng Người bằng đất sét nung.
Đây là mẫu tượng Bác Hồ ngồi đọc sách có chiều cao cả bệ khoảng 40cm. Nguyên liệu đúc tượng từ đất sét Đông Triều, được nghiền khô siêu mịn. Sau đó nguyên liệu được hòa vào nước giống như hồ rồi thực hiện công nghệ đổ rót vào khuôn thạch cao đã được thiết kế sẵn từ mẫu tượng.
Ý tưởng thiết kế bức tượng này của Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Tổ hợp Gốm Đất Việt. Ông Nguyễn Quang Mâu chia sẻ: Trong quá trình lao động sản xuất chúng tôi mang trong lòng tình cảm trân trọng kính yêu Bác Hồ. Và hiện nay chúng tôi đang làm nghề thổ mộc của cha ông ta để lại. Đây là nghề vất vả nặng nhọc nên chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác phải biết lao động sáng tạo để làm thế nào đó cho đất nước ta có thể sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đối với chúng tôi có thể sánh vai với sản phẩm của các cường quốc về sản xuất đất sét nung. Từ đó, chúng tôi rất mừng vì tổ hợp đã sản xuất theo tinh thần lời dạy của Bác, sản phẩm làm ra không thua kém gì với thế giới là niềm tự hào của đất sét nung Việt Nam.
Để tri ân Bác Hồ, cán bộ và công nhân Gốm Đất Việt đã hợp tác với các nhà điêu khắc, các họa sĩ để kết hợp tạc tượng. Ông Nguyễn Quang Mâu cho biết thêm: Chúng tôi muốn tạo dựng hình tượng Bác Hồ dung dị từ chính hòn đất nước Việt. Tương lai gần chúng tôi sẽ tạo dựng thành công để có sản phẩm tặng cho công nhân, bạn bè để mọi người luôn nhớ về Bác, học và làm theo Bác, luôn lao động sáng tạo làm giàu cho quê hương đất nước.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận dự án này không hề đơn giản. Nhà điêu khắc Đinh Thanh, nguyên Giám đốc Nhà máy sứ Móng Cái, chia sẻ: Cái khó của việc làm tượng gốm chân dung, nhất là chân dung lãnh tụ là phải chân thực chứ không thể cách điệu được. Thêm nữa người làm tượng cũng phải tính đến độ co của đất sét khi nung so với bản phác thảo ban đầu.
Họa sĩ Nghiêm Vinh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh cũng đồng quan điểm: Tượng làm đất chân dung càng phải giống. Mỗi con dân đất Việt đều hình dung ra đều in sâu vào tâm trí hình ảnh của Bác. Vì vậy, nếu làm khác đi người xem sẽ nhận ra ngay và không chấp nhận. Bác Hồ bây giờ nhiều người nhớ từ vầng trán, chòm râu, cổ áo và nhiều nét chân dung của Người. Tuy nhiên, cũng thuận lợi vì những chất liệu đó mình thuộc rồi nên không phải tìm tư liệu vất vả. Thêm nữa, theo họa sĩ Nghiêm Vinh, tượng Bác Hồ ngồi đọc sách phải ung dung, thảnh thơi nhưng rất tập trung, toát lên thần thái của một nhà lãnh tụ, minh triết.
Nghệ nhân ưu tú Lê Trọng Mỹ, nguyên Phó Giám đốc Hợp tác xã Gốm sứ Đông Thành, TX Đông Triều, chia sẻ: Tượng dân gian dễ làm hơn tượng chân dung vì không bị áp lực nào sáng tác thế nào cũng được. Riêng tượng lãnh tụ phải làm cho chuẩn, nhìn phải ra lãnh tụ từ phong thái, tư tưởng của lãnh tụ. Do vậy, phải làm từ cái tượng nhỏ, đến đắp tượng to, từ đơn chiếc đến đắp nhiều.
Khi đã hoàn thiện được tượng mẫu, muốn nhân bản hàng loạt thì phải nhờ nghệ nhân đổ khuôn. Nghệ nhân Lê Duy Thái, nguyên cán bộ kỹ thuật Nhà máy sứ Móng Cái, chia sẻ: Quy trình tạo khuôn phải tính xem tượng này sẽ chia làm bao nhiêu mảnh, chọn điểm để chia. Sau khi chia mảnh này sẽ tính tiếp mảnh khác gần kề. Cứ thế chia và ghép làm sao để phủ kín bức tượng. Sau đó, phải lật ngược lại đổ ra một cái cốt bằng chất liệu cứng, thường là xi măng hoặc thạch cao. Từ cốt cứng đó mới có thể nhân ra nhiều bộ khuôn khác nhau. Khi có được khuôn rồi thì có thể hướng dẫn cho công nhân đúc tượng bằng phương pháp đổ rót.
Đúc được tượng dạng mộc rồi phải mang phơi khô rồi cho vào lò nung. Đây tiếp tục là một công đoạn thách thức. Nghệ nhân Lê Trọng Mỹ chia sẻ: Làm tượng đất nung khó hơn vì phụ thuộc vào lò. Nhiệt độ như thế thì đất đưa vào lò có chín đều, có méo, có sùi ra hay không phải tính toán chi tiết. Rồi kiểu lò gì, lò có táp lửa, có đều màu không. Nghệ sĩ sáng tác ở chất liệu nào phải tính đến sự phù hợp với lò gốm kiểu đó là nặng lửa hay nhẹ lửa. Lò bầu lửa ngang, hay táp lửa, lại nung bằng củi, bằng than kiểu truyền thống rất khó không phải bức tượng nào cũng được. Có khi nung đất vài chục bức mới ra được dăm bức hoàn thiện.
Tuy nhiên, với lò nung tuynel có kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hàng đầu Việt Nam ở Gốm Đất Việt thì tỷ lệ thành công sẽ rất cao. Họa sĩ Nghiêm Vinh cho biết: Từ cảm xúc sau khi làm tượng bằng đất sét nung thành công, tôi sẽ làm thêm nhiều đề tài chân dung Bác Hồ còn thiếu trong thời gian tới. Những bức mà Quảng Ninh còn thiếu tôi muốn tiếp tục sáng tác là cụm tượng Bác Hồ với Ti-Tốp, Bác Hồ trên biển, Bác đọc Báo Quảng Ninh. Nhìn chung, đề tài Bác Hồ mãi mãi không vơi cạn.
Phạm Học
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Tạo động lực cho giai đoạn mới
- Đảng bộ Than Quảng Ninh: Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Sinh hoạt "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- BĐBP Quảng Ninh: Nhiều hoạt động thiết thực
- Điểm sáng xây dựng “Chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện”
- Học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên
Liên kết website
Ý kiến ()