Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:10 (GMT +7)
Tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Thứ 7, 08/07/2023 | 09:37:30 [GMT +7] A A
Thay đổi tập quán sản xuất, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ... đang là những giải pháp được ngành nông nghiệp Quảng Ninh đẩy mạnh áp dụng. Đây được xem là bước đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm từng bước nâng tầm nền nông nghiệp hiện đại, cho hiệu quả cao, góp phần chung vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Chuyển biến bước đầu
Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 (UBND tỉnh ban hành ngày 10/1/2022) đặt ra mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững, gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Để thực hiện hiệu quả, tỉnh đã quan tâm và dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe người nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng.
Những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đã dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia, trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài. Tại huyện Hải Hà, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao, như: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới trên toàn huyện đạt trên 85% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, huyện vận động người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2-3 lá”; vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp, áp dụng chặt các tiêu chuẩn của một số công đoạn trọng yếu trong chế biến như: Hấp, vò, sao lăn và phân loại chè trước khi đóng gói. Đến nay, trong gần 800ha chè hầu hết đều đảm bảo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng được nhu cầu thị trường khó tính trong nước và quốc tế.
Ông Chung Văn Tắc (thôn 9, xã Quảng Long) chia sẻ: Những năm gần đây, nhờ những chủ trương, chính sách thay đổi trong cách trồng, chế biến cây chè, các hộ dân trồng chè được tham gia tập huấn, hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao sản lượng và năng suất chất lượng cây trồng, vì thế đã tăng cả về sản lượng và giá thành. Qua đó, tạo ra giá trị bền vững cho vùng chè và kinh tế ổn định cho người trồng.
Huyện Tiên Yên xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, theo đó huyện đã tập trung ưu tiên mở rộng phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh, đồng thời, tiếp tục thực hiện đề án “2 con, 1 cây” định hướng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Điển hình trong phát triển giống gà Tiên Yên, người nuôi trên địa bàn huyện đã tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có, nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà; đầu tư hệ thống ấp trứng, xây dựng chuồng trại khép kín, ứng dụng đệm lót sinh học... và đảm bảo các khâu phòng dịch nghiêm ngặt.
Ông Phạm Văn Hưng (thôn Đồng Tâm, xã Yên Than) cho biết: Từ năm 2021, gia đình tôi đã ứng dụng công thức phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có. Tôi thấy áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới vừa đơn giản lại phù hợp với điều kiện địa phương. Công thức thức ăn đáp ứng yêu cầu chăn nuôi, rõ tỷ lệ, nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng đã giúp giảm lượng mỡ thừa, nâng cao năng suất và chất lượng thịt cho đàn gà. Qua đó, nâng cao giá trị và chất lượng gà khi xuất bán ra thị trường.
Ngoài những mô hình kể trên, hiện nay những mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cũng được người nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai như: Nuôi bò lai sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; trồng cây giổi lấy hạt bằng cây ghép tại Ba Chẽ; phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên; trồng rau thuỷ canh... Thông qua việc chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 1.070ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn. Đến nay toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao.
Hướng đến tăng trưởng bền vững
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, kết quả sản xuất nông nghiệp là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả thế mạnh các vùng miền trong tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại.
Đơn cử như việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung... qua đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập; 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất.
Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng những nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Toàn tỉnh hiện có trên 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Qua việc đầu tư khoa học công nghệ, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra các thị trường lớn trong nước, như: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau, củ, quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều)...
Hiện trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng nông sản Quảng Ninh ngày càng được nâng cao và có vị trí ổn định trên thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, bám sát xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang có những bước chuyển tích cực về ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hoá trong sản xuất, tiêu thụ.
Đến nay, Sở NN&PTNT đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời, qua các trang điện tử, Sở NN&PTNT đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh tới các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nông nghiệp kết hợp với du lịch cũng đang là một hướng đi mới cho hiệu quả cao. Các địa phương trong tỉnh đã tạo ra các mô hình hấp dẫn: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa... đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách, tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Nhiều khu du lịch nông nghiệp được biết đến như đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); du lịch kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tại HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn); lễ hội mùa vàng, lễ hội hoa sở (huyện Bình Liêu)...
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển đối với lĩnh vực có dư địa tăng trưởng như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các mô hình nuôi biển bền vững, nuôi tôm siêu thâm canh 3 vụ, gắn với chế biến sâu, xây dựng và phát triển thương hiệu hải sản Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái... Tiếp tục phát triển lâm nghiệp bền vững, rà soát diện tích 3 loại rừng, hoàn thành quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, hạn chế trồng keo, bạch đàn, băm dăm, bán thô. Tỉnh cũng phát triển mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên... coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến nông sản, các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, đa dạng theo chuỗi sản phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước, du lịch và xuất khẩu.
Với những bước đi, cách làm hiệu quả, nông nghiệp Quảng Ninh đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng chung của tỉnh, từng bước hiện thực hoá mục tiêu phát triển nông thôn văn minh, hiện đại đồng bộ với tăng trưởng xanh, phát triển đô thị, công nghiệp dịch vụ.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()