Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:17 (GMT +7)
Tái lập 2 huyện Đầm Hà và Hải Hà
Thứ 2, 18/09/2023 | 08:00:22 [GMT +7] A A
Huyện Quảng Hà được thành lập năm 1969 trên cơ sở sáp nhập 2 huyện Hà Cối và Đầm Hà. Qua hơn 30 năm thành lập cùng với các địa phương trong tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Hà đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung cua Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngày 29 tháng 8 năm 2001, Chính phủ ra Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà.
Thời điểm tái lập, huyện Hải Hà có 69.013,1ha diện tích tự nhiên và 46.995 nhân khẩu; có 16 đơn vị hành chính trực thuộc (1 thị trấn và 15 xã). Địa giới hành chính của huyện Hải Hà: Phía Đông giáp thị xã Móng Cái; phía Tây giáp các huyện Bình Liêu, Đầm Hà; phía Nam giáp biển Đông; phía Bắc giáp nước CHND Trung Hoa.
Huyện Đầm Hà có 41.436,1ha diện tích tự nhiên và 29.938 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc (1 thị trấn và 8 xã). Địa giới hành chính của huyện Đầm Hà: Phía Đông giáp huyện Hải Hà; phía Tây giáp huyện Tiên Yên; phía Nam giáp huyện Vân Đồn; phía Bắc giáp các huyện Bình Liêu, Hải Hà.
Với việc chia huyện Quảng Hà thành 2 huyện Đầm Hà và Hải Hà, tính đến thời điểm đó, tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 1 thành phố (Hạ Long), 3 thị xã (Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái) và 10 huyện (Đông Triều, Yên Hưng, Hoành Bồ, Vân Đồn, Cô Tô, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà và Hải Hà).
Sau hơn 20 năm tái lập xây dựng và phát triển, từ một huyện xuất phát điểm thấp về nhiều mặt, đến nay, huyện Đầm Hà đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Năm 2022, huyện đạt nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực với 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 210 tỷ đồng; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,91 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,14%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại. Nhiều công trình động lực, trọng điểm phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng. Diện mạo nông thôn đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Đối với huyện Hải Hà, mặc dù xuất phát điểm là địa bàn thuần nông, phải đối mặt với không ít khó khăn song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Hải Hà đã phát triển thành huyện công nghiệp - dịch vụ và là một hợp phần quan trọng của Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, đang có bước phát triển mạnh mẽ. Quy mô kinh tế năm 2021 đạt 37.860 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 16 lần so với năm 2001, đạt 87,8 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 335 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ.
Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà được đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2015 và trở thành trung tâm công nghiệp dệt may khu vực miền Đông của tỉnh, đến nay có 18 dự án, trong đó có 17 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, sử dụng trên 13.000 lao động. Hoạt động của khu công nghiệp đã góp phần thúc đẩy, tạo phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của huyện.
Chương trình xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, hiệu quả rõ nét, huy động được cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia. Đến nay huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và khó khăn trên địa bàn huyện được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Diện mạo nông thôn đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm sâu xuống còn 0,45%, không còn thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, sớm xác định những mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai huyện Đầm Hà, Hải Hà quyết tâm tạo đà tăng trưởng, có những bứt phá mới, qua đó góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của cả nước trong những năm tới.
Huyền Nhi (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()