Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:33 (GMT +7)
Tại sao số ca nhiễm ở Nam Mỹ giảm nhanh bất ngờ?
Thứ 2, 06/09/2021 | 22:53:01 [GMT +7] A A
Nam Mỹ từng là tâm chấn của đại dịch Covid-19 hồi đầu năm, nhưng số ca nhiễm ở khu vực giảm nhanh một cách bất thường, điều mà các chuyên gia y tế không thể lý giải.
Chỉ vài tuần trước, đại dịch Covid-19 lan rộng một cách đáng báo động ở nhiều quốc gia Nam Mỹ. Số ca nhiễm mới áp đảo hệ thống y tế và giết chết hàng nghìn người mỗi ngày. Đột nhiên, khu vực từng là tâm chấn của đại dịch đang thở phào nhẹ nhõm, New York Times cho biết.
Số ca nhiễm mới giảm mạnh ở hầu hết quốc gia Nam Mỹ khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Quá trình truy vết chính xác và nhanh chóng, ngay cả khi biến chủng Delta tàn phá những nơi khác trên thế giới. Những thành tựu ở Nam Mỹ khiến các chuyên gia không thể giải thích được.
Không siết giãn cách, số ca nhiễm vẫn giảmBrazil, Argentina, Chile, Peru, Colombia, Uruguay và Paraguay đã trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng hồi đầu năm, ngay cả khi vaccine bắt đầu đến khu vực này. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh không đồng đều, phần lớn lỏng lẻo, vì các chính phủ đang tuyệt vọng để khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu.
Các chính phủ vẫn phong tỏa biên giới nghiêm ngặt, nhưng không có biện pháp truy vết mới hoặc ngăn chặn quy mô lớn nào được áp dụng.
Tại Brazil, quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới, ghi nhận số ca nhiễm mới giảm rất nhanh. Số ca mắc mới ngày 4/9 ở mức 21.804 ca, giảm sâu so với con số kỷ lục 115.228 ca mắc mới vào ngày 23/6.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ở Brazil vào tháng trước. Ảnh: AP. |
Theo các chuyên gia y tế, một yếu tố dẫn đến sự sụt giảm ca nhiễm mới là khu vực này đã mở rộng độ phủ của vaccine.
New York Times nhận định nếu so với Mỹ, các quốc gia Nam Mỹ không phải đối mặt với kiểu thờ ơ, chính trị hóa và các thuyết âm mưu về vaccine như ở Mỹ. Điều đó giúp họ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Tại Brazil - quốc gia từng bị chỉ trích về triển khai vaccine hỗn loạn và chậm chạp, 64% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, một tỷ lệ vượt cả Mỹ. Điều đó đã giúp Tổng thống Jair Bolsonaro - người từng gieo rắc sự hoài nghi về vaccine - có thể khoe khoang thành tích vào tháng trước.
Các chuyên gia y tế trở nên bối rối trước sự giảm mạnh số ca nhiễm mới ở Nam Mỹ. “Đó là một hiện tượng mà chúng tôi không biết phải giải thích thế nào”, Carla Domingues, nhà dịch tễ học điều hành chương trình tiêm chủng của Brazil đến năm 2019 nói.
Ở Chile, và Uruguay, hơn 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Khi số ca nhiễm giảm sâu, các trường học trong khu vực đã mở cửa trở lại. Các sân bay đang trở nên bận rộn hơn khi nhiều người bắt đầu di chuyển để tìm việc làm và du lịch.
“Chúng tôi đã cố gắng kiềm chế sự lây lan của biến chủng Delta và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử”, ông Carla Vizzotti, Bộ trưởng Y tế Argentina, cho biết vào tuần trước. Ở Argentina, hơn 61% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Tuần qua, Liên Hợp Quốc đã đưa ra dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế khu vực Nam Mỹ. Cơ quan này dự báo kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribbean sẽ tăng trưởng khoảng 5,9%, tăng nhẹ so với ước tính 5,2% trong tháng 7.
Chuyên gia cảnh báo đợt bùng phát mớiTình hình dịch bệnh ở Nam Mỹ đã trở nên khả quan hơn, song các chuyên gia cảnh báo điều này có thể tạo ra sự chủ quan, tạo điều kiện cho đợt bùng phát mới.
Chrystina Barros, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Brazil cho biết bà lo ngại những kết quả khả quan này sẽ khiến mọi người trở nên chủ quan, lơ là việc đeo khẩu trang, tụ tập đông người khi dịch bệnh vẫn là mối đe dọa lớn.
Các nhân viên y tế đến tiêm chủng cho người dân ở những khu vực hẻo lánh ở Brazil. Ảnh: AFP. |
Jairo Mendez Rico, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết biến chủng Delta không phát triển mạnh ở Nam Mỹ, vì có thể nhiều người trong khu vực có khả năng miễn dịch tự nhiên.
Tuy nhiên, ông cảnh báo biến chủng Delta có thể tạo ra đợt bùng phát mới. “Điều này không thể giải thích, còn quá sớm để nói điều gì đang xảy ra”, ông Rico nói.
Bất chấp sự không chắc chắn, các chính phủ Nam Mỹ đang mở cửa biên giới trở lại trong những tháng tới. Cuối tháng 7, Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez cho biết con đường dẫn đến bình thường đã ở trong tầm mắt.
“Chúng ta xứng đáng có một cuộc sống khác, một cuộc sống mà chúng ta thưởng thức âm nhạc, hội họa, tác phẩm điêu khắc, phim ảnh và sân khấu. Một cuộc sống mà chúng ta có thể cười mà không cần đeo khẩu trang, nơi chúng ta có thể ôm những người mình yêu thương”, Tổng thống Fernandez nói.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()