Từ TP HCM đến Đắk Nông bình thường chỉ đi khoảng 5 tiếng, song từ khi các tỉnh dọc đường lập chốt kiểm dịch, anh Hải mất hơn 7-8 tiếng trên đường, qua 4-5 chốt kiểm dịch.
Anh kể, tại các trạm kiểm dịch Đồng Xoài, Chơn Thành (Bình Phước), có những lúc dòng xe ùn tắc 4-5 giờ vì tài xế phải khai báo y tế trên giấy, dù họ đã có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Chặng trở về, họ lại khai báo lần nữa.
Nhiều chốt kiểm dịch tại Cần Thơ, Vũng Tàu, Long Xuyên còn không cho xe cứu hộ vào địa bàn bởi các địa phương này đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Anh Hải nhiều lần phải quay đầu trở về, từ chối cứu xe gặp nạn. "Xe cứu hộ không được coi là chở hàng thiết yếu nên không được cấp thẻ nhận diện để đi luồng xanh tại các địa bàn đã giãn cách. Tôi rất vất vả lưu thông trên đường dù có giấy của công ty đi làm nhiệm vụ", anh Hải nói.
Cứ 3 ngày, những tài xế như anh Hải lại phải chọc mũi họng để xét nghiệm. Song hiệu lực giấy xét nghiệm Covid áp dụng khác nhau ở các địa phương, một số tỉnh quy định 72 giờ, song nhiều nơi lại ghi 3 ngày. "Khi tính theo ngày, lái xe đã mất gần nửa ngày chờ xét nghiệm nên thời gian cầm giấy phép chỉ còn được hơn một ngày", anh Hải nói.
Giám đốc Công ty Cứu hộ Sài Gòn Phạm Tất Thành cho hay, doanh nghiệp ông có hơn 20 đầu xe hàng ngày chuyên đi cứu hộ các ôtô gặp tai nạn, hỏng máy. Bình thường xe cứu nạn được ưu tiên đi vào đường cấm, giờ cấm, song hiện nay không được ưu tiên đi vào "luồng xanh". Thậm chí, một số địa phương chỉ cho phép vào kéo các xe bị tai nạn mà không được kéo xe hỏng máy.
"Chúng tôi thường phải yêu cầu chủ xe gặp nạn trung chuyển ra ngoài địa bàn giãn cách để có thể kéo tiếp. Việc này gây phiền toái cho họ", ông Thành nói và kiến nghị xe cứu nạn được ưu tiên đi vào luồng xanh như xe chở hàng thiết yếu.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh xe chở hàng hóa được ưu tiên vào "luồng xanh", song các tài xế vẫn vất vả vì quy định kiểm dịch giữa các địa phương chưa thống nhất.
Ông Trần Văn Linh, Giám đốc doanh nghiệp có hơn 40 xe rơ mooc chuyên chở hàng hóa, thực phẩm, cho hay một tài xế của đơn vị chở hàng từ TP HCM đến Đắk Lắk, khi quay về đến Đắk Nông thì giấy xét nghiệm Covid hết hiệu lực, chốt không cho xe đi qua (dù xe không dừng lại trên đường). "Tài xế phải đi tìm cơ sở y tế từ tối hôm trước đến chiều hôm sau mới được xét nghiệm để đưa xe về về TP HCM", ông Linh nói.
Nhiều lái xe đường dài từ Nam ra Bắc hành trình mất 3 ngày, trả hàng xong phải lên xe quay đầu luôn không kịp nghỉ ngơi, vì nếu ở lại địa phương dù chỉ một ngày sẽ phải cách ly tập trung gần nửa tháng. Họ thường phải ăn ngủ luôn trên xe nhiều ngày để tránh tiếp xúc với người khác.
Một số tỉnh miền Bắc chưa phải là vùng dịch, song quy định kiểm dịch cũng rất chặt chẽ. Ông Linh kể một xe từ Hà Nội đi Quảng Ninh giao hàng, lái xe có giấy xét nghiệm còn hiệu lực do Hà Nội cấp, chiều về đến Hải Phòng thì cơ quan y tế địa phuong yêu cầu tài xế có giấy xét nghiệm của Quảng Ninh hoặc Hải Phòng mới cho xe đi qua. Tài xế này đành quay đầu vòng qua Quảng Ninh để về Hà Nội.
"Các tài xế rất căng thẳng, mệt mỏi. Chúng tôi luôn phải động viên anh em vì công việc chung. Thời điểm này giữ được lái xe chở hàng là rất khó", ông Linh nói.
Ông Lê Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Trung Thành (TP Hải Phòng) cũng chia sẻ "tài xế hiện chịu rất nhiều áp lực, từ việc đảm bảo an toàn khi vận chuyển hàng hóa trên đường, cho đến thời gian giao hàng, và nguy cơ lây nhiễm Covid-19".
Hiện công ty của ông Long chưa bị thiếu tài xế, song "nhiều doanh nghiệp đã phải giảm số xe hoạt động do tài xế xin nghỉ việc, về quê".
Một lái xe quê ở huyện Kim Thành (Hải Dương) đang làm việc cho doanh nghiệp vận tải tại quận Hải An (Hải Phòng) cho biết, anh lái xe đầu kéo được 7 năm song chưa bao giờ cảm thấy áp lực như lúc này. "Xuống xe hay lên xe đều phải xuất trình giấy xét nghiệm, đi đường cũng bị lực lượng chức năng dừng xe hỏi giấy. Nhiều lúc chán quá, tôi định bỏ việc về làm ruộng, nhưng vì áp lực kinh tế gia đình nên phải cố gắng", anh nói.
Về chi phí xét nghiệm, chủ các công ty vận tải cho hay lái xe phải xét nghiệm nhanh Covid -19 với chi phí từ 253.000 đến 300.000 đồng, nếu xét nghiệm PCR là 750.000 đồng. Như vậy, với mỗi xe, doanh nghiệp thêm chi phí từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng cho tài xế và phụ xe chỉ trong 2 ngày. Chưa kể lái xe thường phải gửi xe ngoài thành phố để tìm nơi xét nghiệm trong nội đô, chờ lấy kết quả mất thời gian.
"Chúng tôi kiến nghị các địa phương bố trí xét nghiệm tại các trạm dừng nghỉ trên đường và trả kết quả qua app để tiết kiệm thời gian cho tài xế. Giấy xét nghiệm cũng cần tăng thời gian hiệu lực từ 5 đến 7 ngày, thay vì 3 ngày như hiện nay", ông Trần Văn Linh đề xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, gần đây Bộ Y tế đã tháo gỡ, tạo thuận lợi cho lái xe chở hàng hóa trong khu vực các tỉnh, thành giãn cách phía Nam không phải xét nghiệm Covid. Tuy nhiên, nhiều tỉnh phía Nam vẫn yêu cầu tài xế chở hàng xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 khi ra vào.
Còn ở phía Bắc, nhiều địa phương vẫn chưa thống nhất quy định test nhanh hay PCR. Như Hải Phòng, Quảng Ninh yêu cầu lái xe xét nghiệm PCR, không chấp nhận giấy xét nghiệm test nhanh của các tỉnh khác.
"Các địa phương cần thống nhất và chấp nhận kết quả xét nghiệm test nhanh để thuận lợi cho lái xe vì họ liên tục xét nghiệm sau 3 ngày, dễ phát hiện dương tính, không cần thiết xét nghiệm PCR gây lãng phí", ông Quyền nói.
Hiện nay, cả nước có hơn 2,5 triệu lái xe kinh doanh vận tải hàng hoá và hành khách. Ông Quyền cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị các cơ quan ưu tiên các lái xe được tiêm vaccine để phòng dịch.
Ý kiến ()