Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 18:59 (GMT +7)
Tâm huyết, trí tuệ xây dựng giải pháp thiết thực
Thứ 5, 05/12/2024 | 19:06:23 [GMT +7] A A
Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh chia thành 5 tổ thảo luận. Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu phát huy tinh thần thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm trong việc đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ năm 2024. Qua đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025, giữ vững đà tăng trưởng.
Thẳng thắn, trách nhiệm
Năm 2024 trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn, phát sinh một số vấn đề vượt ngoài dự báo, gần đây nhất bão số 3 (Yagi), Quảng Ninh là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng thiệt hại của cả nước. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, thực tiễn của địa phương và chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững được sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp, đạt được những kết quả quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, Tổ thảo luận số 1, bày tỏ: Tôi đồng tình, thống nhất cao đối với Báo cáo tình hình phát triển KT-XH và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2024, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025. Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, tiếp tục phát huy những lợi thế, kết quả đạt được từ những năm trước, tỉnh kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế giữ vững đà tăng trưởng, trong đó đặc biệt khu vực dịch vụ, du lịch thu hút 19 triệu lượt du khách (3 triệu khách quốc tế); thu ngân sách 55.600 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; tổng an sinh xã hội đạt 1.897 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; Chương trình MTQG về xây dựng NTM đạt kết quả, Bình Liêu là huyện dân tộc miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM, Tiên Yên và Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025… ANTT được đảm bảo, số vụ phạm tội giảm… Cử tri và nhân dân trong toàn tỉnh đánh giá cao những kết quả tỉnh đạt được trong năm 2024.
Các đại biểu thẳng thắn nhận diện những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục, như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách... của một số địa phương, sở, ngành còn hạn chế; công tác giao khu vực biển theo quy hoạch còn chậm; có 4/16 khoản thu ngân sách nội địa dự kiến không đạt tốc độ bình quân, trong đó thu tiền sử dụng đất đến nay chỉ đạt 29% kế hoạch năm, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực bố trí cho các dự án đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, chỉ đạt 48% kế hoạch vốn; giải ngân vốn kéo dài chỉ đạt 33,4%; công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Công tác chuẩn bị đầu tư, giải quyết nguồn vật liệu san lấp… cho các dự án chậm khắc phục. Thu hút vốn FDI chưa đạt kỳ vọng…
Đại biểu Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, Tổ thảo luận số 2, cho rằng: Qua nghiên cứu báo cáo, tờ trình, tôi nhất trí, đồng tình, nhất là đối với những tồn tại hạn chế trong năm 2024, như giải ngân vốn đầu tư công chưa được đạt như kỳ vọng đặt ra, xuất phát từ một số nguyên nhân do công tác chuẩn bị đầu tư, thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt ảnh hưởng lớn từ bão số 3. Huyện Tiên Yên đến nay thu ngân sách đạt 97%, tháng 12 sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu đặt ra...
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Tổ thảo luận số 2, nhấn mạnh: Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng rừng, mất nhiều thời gian, do thẩm quyền, đối tượng chuyển đổi, nhanh cũng phải mất 8 tháng. Bởi vậy trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, việc giao danh mục cho các sở ngành, địa phương xác định để xây dựng kế hoạch sử dụng đất gắn với kế hoạch chuyển đổi rừng là hết sức quan trọng.
Trong lĩnh vực văn hóa cũng còn một số bất cập: Ban hành Đề án tự chủ giai đoạn 2024-2025 cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục còn chậm; chậm khắc phục cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng sau bão số 3; việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia còn khó khăn; tình hình tai nạn lao động, tai nạn thương tích trẻ em còn diễn biến vẫn phức tạp; chưa hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, tình hình người lao động rút chế độ BHXH một lần tăng; một số nội dung tổ chức triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU còn chậm, chưa có kết quả cụ thể; một số mục tiêu về chuyển đổi số thấp.
Đại biểu Bùi Thị Thu Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh), Tổ thảo luận số 4, cho rằng: Phải thẳng thắn đánh giá một số tồn tại, bất cập trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, như hệ thống cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng sau bão số 3 hiện chưa được hay còn chậm sửa chữa để đảm bảo an toàn, phục vụ công tác dạy và học. Tỷ lệ người tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện, bước đầu đã có kết quả, song tình hình người tham gia BHXH tự nguyện rút bảo hiểm một lần tăng cao. Tình trạng lợi dụng không gian mạng lừa đảo gia tăng. Đặc biệt tình hình đầu tư, xây dựng đối với các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn ở mức độ vừa phải; tình trạng nhà văn hóa thôn, khu xuống cấp, nhà văn hóa xã chưa đạt chuẩn còn nhiều…
Một số đại biểu cho rằng tình hình mua bán chất ma túy trên mạng xã hội phát triển trên diện rộng; vi phạm ATGT, tụ tập đi xe máy theo nhóm đông, đánh nhau, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội tăng 17%; TNGT tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng tiềm ẩn nguy cơ lộ bí mật, mất an toàn hệ thống thông tin...
Bứt phá về kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ tới
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2021-2025, được tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; năm cuối cùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu ở 5 tổ đã sôi nổi thảo luận về tính khả thi của các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2025, công tác tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau bão số 3, lấy lại đà tăng trưởng; giải pháp về thu ngân sách, công tác chuẩn bị đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là đất đai, quy hoạch.
Đại biểu Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ thảo luận số 2, nhấn mạnh: Các giải pháp và mục tiêu đặt ra trong năm 2025 đã thể hiện rất rõ quyết tâm bứt phá lớn trong phát triển KT-XH, như: GRDP đạt 12%, tổng thu NSNN trên địa bàn vượt chỉ tiêu trung ương giao; 60% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phục hồi tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%... Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu này, các ngành, địa phương cần bám sát chủ đề năm 2025, phải có sự bứt phá về tư duy, cách nghĩ, cách làm, phải có sự quyết tâm lớn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám tham mưu. Đồng thời phải bứt phá trong sự phối hợp giữa các sở, ngành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra, bứt phá từ sớm, ngay từ đầu năm 2025. Cùng với đó đột phá, bứt phá trong sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Nhất trí với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025, đại biểu Tô Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vân Đồn, Tổ thảo luận số 3, cho rằng: Cần ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; tập trung phát triển dịch vụ tổng hợp, hiện đại có sức cạnh tranh cao, phát triển du lịch bền vững; đẩy nhanh tháo gỡ những khó khăn để thu hút và triển khai đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ vào các địa phương trọng điểm, nhất là khu vực Vịnh Bái Tử Long. Cùng với đó tập trung phát triển kinh tế biển bền vững; phục hồi sản xuất lâm nghiệp, thủy sản sau bão số 3, nhất là nuôi trồng thủy sản.
Nhiều đại biểu bày tỏ trăn trở với các giải pháp để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ thảo luận số 1, bày tỏ hoàn toàn đồng tình với các phân tích của các đại biểu về những hạn chế, tồn tại giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đại biểu cho rằng: Năm 2025 đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Để thực hiện mục tiêu đề ra, cần phải có giải pháp thực hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; phải rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư ngay từ đầu năm để kiểm đếm rõ trách nhiệm; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp để hoàn thành trong năm 2025. Rút kinh nghiệm sâu sắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, để từ đó có giải pháp thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2031.
Một số đại biểu đề nghị cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và các nguồn thu mới từ thuế, phí; thu hồi nợ đọng thuế; nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho các tổ chức cá nhân. Đồng thời tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong chuẩn bị các thủ tục đầu tư; quyết liệt giải quyết triệt để đối với các dự án có vướng mắc ngay từ đầu năm; sớm giao mặt biển và cấp phép cho các tổ chức, cá nhân trong nuôi trồng thủy sản để sớm đạt mục tiêu phát triển kinh tế biển, phát triển ngành thủy sản bền vững và kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm.
Đề xuất các giải pháp trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, các đại biểu cho rằng cần phải quan tâm các chỉ tiêu giải quyết việc làm tăng thêm trong năm 2025; công tác giảm nghèo theo tiêu chí của tỉnh; chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia; các giải pháp đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm…
Đại biểu Phạm Thị Hồng Hạnh, Trưởng Ban Pháp Chế HĐND tỉnh, Tổ thảo luận số 1, đề nghị: Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh để phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ trong mọi tình huống. Các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp hữu hiệu để phòng, chống và đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Cùng với đó, đánh giá cụ thể các nguyên nhân gia tăng một số loại tội phạm và đề ra giải pháp phòng ngừa có hiệu quả thời gian tới. Thực hiện có hiệu quả và duy trì bền vững các mô hình an ninh cơ sở, chuyển hóa thành công các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; giữ sạch 34 địa bàn cấp xã không có ma túy; xây dựng thành công 44 xã, phường, thị trấn sạch ma túy, 3 địa bàn cấp huyện sạch ma túy; rà soát, lựa chọn tiếp các xã, phường, thị trấn và huyện để đưa vào diện xây dựng xã, phường, thị trấn, huyện sạch ma túy năm 2025.
Đại biểu Đào Biên Thùy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đầm Hà, Tổ thảo luận số 5, đề nghị: Quan tâm hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy; hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng chất các thiết chế văn hóa xã, thôn nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()