Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 12:34 (GMT +7)
Tâm sự của những "nhà báo Trường Sa"
Thứ 5, 18/06/2015 | 13:03:53 [GMT +7] A A
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các nhà báo đã từng ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Với tình yêu và cảm xúc đặc biệt về Trường Sa, các nhà báo đã có được những tác phẩm báo chí phản ánh chân thực về cuộc sống, công việc của quân và dân ở quần đảo.
Phóng viên Phạm Việt Hoa (thứ hai, phải sang) trò chuyện với Đại uý Nguyễn Văn Bình, Phân Đội trưởng Phân Đội pháo 85, đảo Sơn Ca. |
* Nhà báo Nguyễn Thế Lãm, Đài PT-TH tỉnh: “Trường Sa cho tôi rất nhiều cảm xúc”
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, chúng tôi đến với Trường Sa trong đoàn công tác của Lữ đoàn 146 Hải quân đi thăm, chúc Tết và vận chuyển hàng Tết ra cho quân, dân huyện đảo. Những phóng viên miền biển như chúng tôi dù đã nhiều lần quen với sóng gió nhưng không tránh khỏi say sóng trong điều kiện gió mùa đông bắc cấp 6, cấp 7.
Chuyến đi kéo dài 25 ngày. Chúng tôi có dịp được sinh sống, tìm hiểu công việc và cuộc sống của quân dân trên 6 đảo khu vực phía Bắc quần đảo. Có nhiều thời gian lưu lại trên các đảo là cơ hội tuyệt vời cho những phóng viên để tác nghiệp, qua đó có được những hình ảnh chân thực, sống động nhất về quân dân huyện đảo. Chúng tôi dành hết tâm sức và khả năng có thể, cả ngày, cả buổi tối để tìm hiểu, quay phim, phỏng vấn với tình yêu và cảm xúc đặc biệt về Trường Sa. Vui mừng khôn xiết khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân dân huyện đảo có nhiều đổi thay. Dù đảo xa nhưng trên đảo có điện năng lượng gió đủ để phục vụ cho học tập, sinh hoạt và công tác đảm bảo, giữ gìn và bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, đồ điện gia dụng cũng như trên đất liền. Bệnh xá trên đảo có máy siêu âm, có bác sĩ, có phòng phẫu thuật… Trường học cũng duy trì lịch học như trên đất liền. Tuy ở đảo xa nhưng thông tin mọi mặt đều dễ dàng tiếp cận qua sóng truyền hình, điện thoại.
Thiêng liêng biết bao khi được dự lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo trong buổi sáng đầu tiên của năm mới. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức gửi những tác phẩm của mình về đài để phát sóng kịp thời. Mạng internet tốc độ chậm, chúng tôi phải chờ tới đêm khuya khi có ít người sử dụng, rồi chia nhỏ phần hình ảnh của phóng sự và gửi suốt đêm. Vui mừng khi được cùng với những người lính Trường Sa ở trên đảo xem các phóng sự trên sóng của truyền hình Quảng Ninh. Cảm động khi được gặp những người lính hải quân của quê hương Quảng Ninh đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Những câu chuyện về họ là nguồn cảm hứng đặc biệt cho tác phẩm mà chúng tôi đã thực hiện.
Những kỷ niệm về chuyến đi Trường Sa là những ấn tượng đặc biệt trong cuộc đời làm báo của mình. Tôi luôn mong muốn có dịp được trở lại nơi đây để tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm báo chí về Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi những người lính hải quân và nhân dân vẫn đang nỗ lực vượt lên những khó khăn để giữ gìn, bảo vệ.
* Nhà báo Phạm Quang Minh, Báo Quảng Ninh: “Nhớ 2 lần đến Trường Sa”
So với các đồng nghiệp làm báo ở tỉnh, tôi may mắn được cơ quan 2 lần cử đi công tác ở quần đảo Trường Sa. Lần đầu vào tháng 4-2007 và lần thứ 2 là giữa năm 2008. Dù đã gần chục năm trôi qua, kỷ niệm về những ngày trên các đảo và tác nghiệp cùng đồng nghiệp vẫn luôn nguyên vẹn trong tôi.
Chuyến đi năm 2007, do lần đầu đến Trường Sa, nhiều phóng viên rất bỡ ngỡ, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Một trong kỷ niệm đáng nhớ là hôm vào đảo Đá Tây. Sáng hôm ấy, tôi đang tác nghiệp ở khu vực tăng gia của đảo thì một phóng viên của Đài tỉnh bạn rủ sang khu vực bên kia ghi hình ảnh nuôi chó trên đảo. Tôi đi theo, đến cuối đảo thì bỗng nghe “ối” và tiếng ùm vang lên, cùng với nước bắn tung toé. Hoá ra anh bạn đồng nghiệp không may bị ngã xuống biển. Ôm chặt chiếc máy ảnh vào ngực, tôi lao tới túm lấy gò đá, loay hoay kéo bạn lên. Chân tay, mặt mũi bê bết máu, nhưng bạn không màng, mà chỉ lo “Thế là hỏng mất máy quay phim rồi, không biết lấy gì tác nghiệp…”. Tối hôm ấy, một số đồng nghiệp đến động viên, người thì chia sẻ hình tư liệu, người thì đề xuất Quân chủng có văn bản về Đài để không bị kỷ luật do làm hỏng máy…
Trong chuyến đi lần hai, rút kinh nghiệm của đồng nghiệp, tôi mang theo 2 máy ảnh để dự phòng. So với chuyến trước, chuyến này vất vả hơn rất nhiều. Cả hành trình, đoàn đã gặp 2 trận bão lớn trên biển. Trận bão đầu khi chúng tôi vừa rời bờ hơn 1 ngày. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến những con sóng dữ gần đến thế, sóng tới tấp quật vào thân tàu hết đợt này đến đợt khác, khiến tàu lắc lư, chao đảo mạnh. Trừ CBCS Hải quân đã quen với sóng gió, còn tất cả mọi người đều bị say sóng, người nào người ấy xanh mướt, mặt tái mét… Trận bão thứ 2 là lúc tàu đang đến đảo Trường Sa lớn. Sợ nhất là những chiếc vòi rồng trên biển, cuốn nước và cá hất tung lên trời. Để đảm bảo an toàn, chỉ huy tàu yêu cầu mọi người phải vào trong ca bin.
Dẫu gian nan và hiểm nguy như vậy, nhưng mọi phóng viên đều cố gắng vượt qua để khi về đất liền có những tác phẩm báo chí phản ánh kịp thời về cuộc sống sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội biển, đảo Trường Sa.
Tình yêu với Trường Sa khiến chúng tôi, dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi gặp gỡ, đến nay gần chục năm vẫn giữ được mối liên hệ mật thiết, sẻ chia với nhau trong cuộc sống, công việc.
* Nhà báo Phạm Việt Hoa, Báo Quảng Ninh: “Hạnh phúc khi được là nhà báo Trường Sa”
Chuyến đi của chúng tôi vào cuối tháng 5, thời điểm “gió yên biển lặng” nhất trong năm, nên tránh được cái khổ say sóng. Nhưng đúng là tác nghiệp trong điều kiện biển, đảo rất khác biệt và khó khăn hơn hẳn đất liền. Lịch trình đoàn công tác rất dày, thời gian nán lại đảo ngắn, bởi vậy cánh phóng viên luôn phải cơ động để có thể theo kịp đoàn. Đồ nghề máy ảnh, máy vi tính, sách, bút… lúc nào cũng phải sẵn sàng, khi có tiếng còi tàu hú là nhanh chóng di chuyển xuống xuồng để vào đảo. Mỗi lần di chuyển như vậy, việc phải bọc, gói đồ nghề bằng bao nilon để tránh nước biển là một kỹ năng cần thiết, nhất định phải biết. Đã có không ít phóng viên phải “đau khổ” tác nghiệp “chay” do máy ảnh, máy quay bị nước biển làm hư hỏng.
So với các đảo chìm, đảo nổi, việc cập cầu tàu và leo lên được các nhà giàn DK khá khó khăn, nguy hiểm. Vì thế mà phóng viên nữ thường bị bỏ lại, không được tham gia. Có lần tôi đã phải “chiến đấu” để được đặt chân lên nhà giàn gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ. Giữa biển khơi không có sóng 3G, chỉ một số đảo lớn là có sóng 2G, bởi vậy để chuyển được tin bài về đất liền vô cùng vất vả. Qua kinh nghiệm của các phóng viên nhiều lần tác nghiệp ở Trường Sa, chúng tôi ngồi “canh sóng”, tức là chọn thời điểm sóng ổn định nhất, thường là sau 21h, để chuyển tin, bài. Tuy nhiên, thời gian chuyển vẫn rất lâu, có khi đến vài giờ đồng hồ, thậm chí đang chuyển được một nửa lại đứt sóng và phải thao tác lại từ đầu…
Tác nghiệp ở Trường Sa vất vả, khó khăn là thế nhưng tràn đầy cảm xúc hạnh phúc. Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo rất nhiệt tình hỗ trợ phóng viên tác nghiệp. Bởi vậy nên mặc dù mới gặp các anh lần đầu nhưng tôi luôn có cảm giác thân thiết như người nhà. Đây là trải nghiệm vô cùng hạnh phúc của một người làm báo...
Phạm Hoạch (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()