Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:19 (GMT +7)
Kỷ niệm với nghề báo
Chủ nhật, 31/12/2023 | 15:13:44 [GMT +7] A A
Họ là cán bộ, phóng viên từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau của Báo Quảng Ninh, nhưng đều có chung lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề, trăn trở với nghề. Thời gian công tác ở Báo tuy dài, ngắn khác nhau nhưng ai cũng đầy ắp những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp...
Nhà báo Vũ Điều, nguyên Trưởng Ban Kinh tế của Báo Quảng Ninh, nguyên phóng viên Thường trú Báo Nhân Dân tại Quảng Ninh, giải Nhất Giải Báo chí toàn quốc năm 1992: "Dũng cảm, nói cái đúng, cái sai với tấm lòng trong sáng là gánh nặng trên vai các nhà báo" Tôi nhớ bài viết đề cập đến những mặt bất lợi của Nhà máy Tuyển than đặt ngay giữa lòng thị xã Hòn Gai (cũ). Nó vốn tồn tại lâu rồi nhưng đến thời điểm đó thì nó chẳng những gây ô nhiễm môi trường nặng nề mà còn gây thêm khó khăn cho đời sống công nhân mỏ. Thế nhưng ngành Than lại có đề án đầu tư rất lớn để xây dựng nhà máy ngay tại vị trí cũ của nó và đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời đó, lo ăn đang là nỗi lo thường trực của mọi nhà, mọi người. Vậy nên, chuyện ô nhiễm môi trường dường như vẫn còn “xa xôi” lắm. Tàu kéo than phả khói đen sì chạy dọc lòng thị xã. Mùa hanh khô, than bốc bụi mù trời. Mùa mưa, than theo nước chảy tràn ra mặt phố. Thời đó cũng là những năm đầu đổi mới, làm than vẫn theo kế hoạch trên giao, nhưng các doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán đến hiệu quả, đến đầu tư, đi vay, trả nợ... Và trong không khí đổi mới chung ấy, anh em làm báo cũng bắt đầu có cái nhìn mang tính phản biện mạnh mẽ hơn. Tôi cũng vậy, qua tiếp xúc với thợ mỏ, với cán bộ ngành Than, rồi tìm hiểu về dự án đầu tư nhà sàng tuyển than... thấy có những vấn đề nổi cộm, chẳng hạn như cứ theo dự án ấy thì lấy than ở đâu ra mà sàng, tiền ở đâu mà trả? Và nhất là rồi môi trường sống của người dân thị xã sẽ ra sao? Vào thời điểm những năm đầu đổi mới mà đặt ra những vấn đề ấy là khá mạnh bạo. Chính vì thế, khi bài báo đăng lên đã khiến dư luận xôn xao. Trong kỳ họp HĐND tỉnh, các đại biểu đưa nó ra chất vấn UBND tỉnh vì sao lại cho phép xây dựng nhà sàng tuyển này... Thậm chí, chuyện bay lên cả Bộ Công nghiệp, rồi được bàn trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt xuống kiểm tra và kết luận, phải di chuyển nhà sàng ra khỏi lòng thị xã... |
Nhà báo Đỗ Kha, nguyên Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo Quảng Ninh: "Như những người lính, nhà báo xung trận cũng nhẹ nhàng, thanh thản" Từ lúc lái máy xúc ở Hà Tu đọc sách báo để tập viết bài gửi báo đăng, tôi về báo với tư cách phóng viên viết chứ không phải phóng viên ảnh. Tôi làm ảnh chỉ là đam mê, tranh thủ mượn máy rồi mới mua máy để làm. Sau tôi được chuyển về làm báo Vùng mỏ, tuyên truyền chủ yếu về ngành Than. Phóng viên báo lúc đó thiếu thốn đủ bề nhưng lại giỏi ngoại ngữ, còn dịch truyện nước ngoài để in trên Báo Vùng mỏ của khu Hồng Quảng. Hợp nhất tỉnh thì một bộ phận tách ra chuyển sang tờ tin Vùng mỏ, bộ phận còn lại làm Báo Quảng Ninh. Điều kiện làm việc vô cùng gian khổ, nhất là trong chiến tranh khi được phân công đi viết các điểm ác liệt, các đơn vị trực chiến, các tấm gương chiến đấu. Ngày 17/2/1979, ngay sau khi tiếng súng nổ ra ở biên giới, chúng tôi, những phóng viên trực chiến đã lên đường chia ra nhóm đến Bình Liêu, nhóm ra Móng Cái. Tôi và phóng viên Huy Phú được phân công ra Sở Chỉ huy tiền phương ở Hà Cối. Những tiếng nổ của pháo cối ngoài biên giới vọng về. Sau khi làm việc với Sở Chỉ huy tiền phương, tôi bàn với Phú để cậu ấy ở lại nắm tình hình chung và liên hệ với cơ quan, tôi tìm cách ra ngoài mặt trận... Ngay sáng hôm sau, tôi nhờ một chiếc xe tải chở lên mặt trận Bình Liêu. Sau này, trở về cơ quan, Tổng Biên tập nói với tôi: “Tôi vừa họp bên Tỉnh uỷ về. Các đồng chí phê phán công tác tuyên truyền còn chung chung, thiếu tài liệu, chứng cứ cụ thể tố cáo tội ác của giặc... Theo bên quân sự báo cáo với Tỉnh ủy, ta đánh mạnh trên toàn tuyến biên giới, địch đã rút. Anh ở biên giới về, nắm được tình hình, xem qua cho tôi”. Tôi trình bày nhanh, cần sửa những bài nào, viết thêm cái gì, đặc biệt là mảng ảnh mới về tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân, dân ta ở Bình Liêu và tội ác của giặc... Hôm sau báo ra, Tổng Biên tập mang ngay một tập báo sang Tỉnh uỷ. Lúc về, ông khoe các đồng chí ở Tỉnh ủy khen báo ta làm kịp thời, chất lượng tốt. |
Nhà báo Hoàng Quốc Hải, nguyên phóng viên Ban Công nghiệp, Báo Quảng Ninh: "Những năm làm báo ở Vùng mỏ cho tôi những tư liệu rất quý giá" Hồi ở Quảng Ninh, tôi làm báo Vùng mỏ, rồi Báo Quảng Ninh theo dõi mảng công nghiệp. Lúc đó, báo chỉ có hai mảng chính là công nghiệp và nông nghiệp, tôi viết về công nghiệp vì nghĩ nó hợp với tạng của mình hơn. Tuy vậy, trong quá trình đi làm báo tôi lại rất thích đến những di tích đền, chùa để tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc. Ví dụ như có lần tôi ra Quan Lạn vì thấy bảo ở đó có đền thờ Trần Khánh Dư và đền thờ Lý Anh Tông. Tôi thuê thuyền ra rồi vào nhà dân tìm hiểu, ghi chép tư liệu. Thời đó ra đảo rất khó khăn. Tôi bị mấy anh ở hợp tác xã, dân quân theo dõi nghi ngờ là gián điệp. Tôi phải vội lên tàu vào đất liền. Về nhà, tôi viết bài báo phê bình lối làm ăn trì trệ của hợp tác xã đó. Còn những tư liệu về di tích thì tôi để đó chứ thời điểm ấy chúng tôi có viết cũng khó đăng. Những năm làm báo ở Vùng mỏ và cả những chuyến thực tế sáng tác sau này đều cho tôi những tư liệu rất quý giá. Với tôi, những kỷ niệm ở Quảng Ninh rất sâu sắc, chuyện gì cũng đều đáng nhớ cả. Ở Vùng mỏ, tôi có nhiều đồng nghiệp như những người chị, người anh trong gia đình. Chúng tôi sống với nhau mà chẳng ai băn khoăn kêu ca về những khó khăn, gian khổ. Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cuốn sách hay, từng nỗi niềm cuộc sống... |
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()