Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:16 (GMT +7)
Tận dụng cơ hội để phát triển ngành logistics
Thứ 6, 14/01/2022 | 13:53:31 [GMT +7] A A
Tăng trưởng khả quan của kinh tế Việt Nam, nhất là xuất nhập khẩu và thương mại điện tử đã tạo động lực cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy vậy, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của nền kinh tế, đồng thời làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam như: chi phí cao, liên kết giữa các doanh nghiệp logistics cũng như với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chuyển đổi số trong ngành chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển;…
Dự báo trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn được đánh giá khá tích cực. Tình hình kinh tế thế giới cũng đang có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều nước bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa từ quý III/2021 đã tạo nguồn cầu lớn cho dịch vụ logistics. Nếu khắc phục được hạn chế, ngành logistics Việt Nam chắc chắn vượt qua khó khăn, vươn lên xứng đáng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.
Vượt qua thách thức
Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường châu Âu, châu Mỹ và cũng là khách hàng lớn của logistics. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "4T" là cước vận tải tăng; thời gian vận chuyển biển tăng; "booking" (đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng; các loại phí tăng. Giá cước vận tải logistics tăng cao đột biến khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng "cơ hội vàng" trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, đặc biệt đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu-Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là giá cước tăng có mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp logistics? Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VINAFCO Phạm Thị Lan Hương, thực tế người nằm cuối chuỗi logistics là các hãng tàu biển quốc tế mới chính là những người điều phối cuộc chơi, trong khi các doanh nghiệp logistics trong nước hầu hết chỉ làm thuê cho các tập đoàn này. Bên cạnh đó, trong hoạt động vận tải biển, ngoài câu chuyện vận tải đơn thuần còn rất nhiều yếu tố liên quan khác như tình trạng tắc nghẽn ở các cảng, các tuyến đường bộ. Bình thường, vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng về nơi sản xuất sẽ quay vòng được khoảng 40 chuyến/tháng, nhưng do dịch bệnh chỉ được khoảng 20 chuyến. Cùng với đó, giá nhiên liệu tăng cao trong năm 2021 cũng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí logistics. Những chi phí cố định bị đội lên khiến doanh nghiệp logistics bắt buộc phải tăng giá một phần.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa cho biết, chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong nước bị ngưng trệ, nhất là thời gian giãn cách xã hội do không thống nhất quy định chống dịch giữa các địa phương đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động logistics. Khoảng 60% số doanh nghiệp logistics bị thu hẹp sản xuất và giảm mạnh doanh thu khi dịch bùng phát. Mặt khác, ngành còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động; sức khỏe, tinh thần và năng suất lao động của người lao động bị tác động nặng nề trong bối cảnh thương mại quốc tế và trong nước khó lường. Do đó, đổi mới, sáng tạo để biến thách thức thành cơ hội cũng là điểm nổi bật của hoạt động logistics trong thời gian qua. Dịch bệnh đã khiến vận tải biển gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thế, vận tải hàng không và đường sắt lại được hưởng lợi. Trong đó, vận tải hàng không quốc tế từ đầu năm 2021 đến nay tăng trưởng 20% so năm 2020. Các hãng bay như: Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways đã chủ động chuyển máy bay chở khách sang chở hàng hóa và cho các công ty logistics thuê lại nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng khai thác các tuyến tàu liên vận, vận chuyển hàng hóa container qua Trung Quốc để đi đến Nga và một số nước Liên minh châu Âu (EU) với tần suất bình quân bảy ngày/chuyến với các mặt hàng chủ yếu là điện tử, dệt may, nội thất,...
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, kết quả xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD trong năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD (tăng 19%) có sự đóng góp tích cực của ngành logistics Việt Nam với vai trò là nhân tố hỗ trợ trung chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp logistics đã nỗ lực để bảo đảm chuỗi cung ứng hoạt động bình thường ngay trong những thời điểm khó khăn nhất. Các doanh nghiệp logistics còn chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới. Thế nên, năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng một số mặt hàng nông sản vẫn bảo đảm việc tiêu thụ nhờ có thương mại điện tử và e-logistics. Cụ thể, vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ 215.852 tấn, trong đó xuất khẩu 41,4% và tiêu thụ trong nước 56,6%, riêng tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post có đóng góp của e-logistics chiếm 3,1%.
Khắc phục hạn chế
Bên cạnh những kết quả nêu trên, phải thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao. Mặt khác, dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam tiếp tục bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% GDP, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới ở mức 11-12% GDP. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, cũng như với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển. Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để ngành logistics vượt qua thách thức và tận dụng được cơ hội phát triển, cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực đổi mới kết cấu hạ tầng logistics, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông, trung tâm logistics phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng. Cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics hiện nay còn thiếu sức hấp dẫn, không có ưu đãi, thậm chí không mang tính khuyến khích bằng đầu tư khu công nghiệp. Do đó, cần đổi mới cơ chế này, đồng thời tạo ra nhiều phương thức đầu tư, giải quyết những vướng mắc về sở hữu, chuyển nhượng để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bộ Công thương sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về logistics và các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển của ngành; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua các hoạt động kết nối giao thương (kể cả trực tuyến), đăng cai và tham dự các hội nghị, triển lãm quan trọng của ngành logistics quốc tế.
Bên cạnh đó, VLA cần kết nối các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác chia sẻ các lợi thế nhằm giảm chi phí logistics, tạo ra sân chơi lành mạnh và mang tính cạnh tranh cao để gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics. Các doanh nghiệp logistics cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường; tăng cường quảng bá, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ logistics.
Ông Đào Trọng Khoa kiến nghị, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, Chính phủ cần tăng cường gói hỗ trợ tài chính và tiếp tục giảm thuế, chi phí cho các doanh nghiệp logistics. Đặc biệt, không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, phí và các lệ phí có liên quan khác. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics; thúc đẩy phát triển một số doanh nghiệp logistics mạnh, phát triển logistics tích hợp 4PL-5PL, phục vụ thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()