Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:50 (GMT +7)
Tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản sang UAE
Thứ 5, 07/11/2024 | 10:37:43 [GMT +7] A A
Cuối tháng 10 vừa qua, Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) đã được ký kết, trở thành hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Arab, là tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE); trong đó có các mặt hàng nông sản chủ lực như: thủy sản, gạo, rau quả, cà-phê và hồ tiêu...
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), hiện nay, UAE là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Ðông, là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận các thị trường Trung Ðông cũng như Tây Á và châu Phi.
Thị trường giàu tiềm năng
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn, từ 3-4 tỷ USD/năm. Kết quả này có sự đóng góp của nhiều ngành hàng nông nghiệp, khi những năm gần đây xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang UAE đều ghi nhận tăng trưởng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giai đoạn từ 2018-2022, UAE đứng thứ 16 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang UAE đạt khoảng 20 triệu USD.
Tuy nhỏ nhưng đây là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm, ngày một tăng. Bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia thị trường tôm (VASEP) cho biết: CEPA được ký kết sẽ mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm sang UAE. 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,3% và tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam cũng là nguồn cung cá tra lớn nhất tại UAE, chiếm 40-50% thị phần. UAE có nhiều yếu tố phù hợp để trở thành đối tác thương mại thủy sản quan trọng của Việt Nam khi mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở quốc gia này cao hơn mức trung bình của thế giới.
Do cơ cấu kinh tế nông nghiệp của UAE chỉ chiếm khoảng 1%, cho nên có đến 90% lượng thủy sản tiêu thụ phải nhập khẩu. Mặt khác, dân số tăng, thu nhập cao cộng với việc giới trẻ ngày càng quan tâm ưa chuộng protein thủy hải sản với các lượt tìm kiếm trực tuyến sản phẩm hải sản tăng vọt những năm gần đây là tiền đề cho khả năng tiêu thụ thủy hải sản tại đây.
Ngoài ra, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024, UAE đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ ba của Việt Nam chỉ sau thị trường Mỹ và Ðức với khối lượng đạt 11.779 tấn, trị giá gần 61 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng đến 100,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Chính vì vậy, CEPA được kỳ vọng là cơ hội lớn để ngành tiêu Việt Nam gia tăng kim ngạch tại thị trường này.
Tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản
Có thể thấy, Hiệp định CEPA đang là cơ hội lớn cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường UAE khi nước này cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE; đồng thời Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả Hiệp định CEPA, gia tăng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang UAE thì các ngành hàng nông nghiệp Việt Nam cũng cần phát huy lợi thế có sẵn và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo.
Theo VASEP, tại UAE, các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp của một số quốc gia đã ký FTA với UAE như: Ấn Ðộ, Indonesia, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… Cụ thể như với mặt hàng tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Ðộ, Trung Quốc, Ecuador.
Trong khi tôm Ấn Ðộ chiếm gần 60-70% thị phần, thì thị phần tôm, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5-7%. Do đó, thời gian tới, cùng với việc tận dụng lợi thế thuế quan, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, giảm chi phí trung gian nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm tôm khi xuất khẩu vào thị trường này.
Theo Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung, UAE đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Mặc dù là thị trường mở, hầu như không có rào cản thương mại nhưng UAE lại là thị trường có tính cạnh tranh gay gắt. Sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tỷ lệ hóa chất, thuốc trừ sâu không được vượt quá mức cho phép, chưa kể hàng loạt quy định về Halal đối với thực phẩm và đồ uống nhập khẩu.
Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang UAE, từ đầu năm đến nay, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng có nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, như: Phối hợp Phòng thương mại Dubai tổ chức đưa các đoàn doanh nghiệp Dubai thuộc các lĩnh vực khác nhau vào Việt Nam tham dự diễn đàn doanh nghiệp; làm việc với các hệ thống siêu thị của UAE như: West Zone, Choithrams và các tập đoàn phân phối của UAE để chuẩn bị cho các đoàn xúc tiến thương mại của Việt Nam sang gặp và làm việc; hỗ trợ một số tập đoàn, doanh nghiệp kết nối giao thương với đối tác cũng như xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu tại UAE…
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()