Lấy đất vườn xoài, ông Nguyễn Chí Tâm, 40 tuổi, xây bể nuôi cá đặc sản ở miền Tây như chạch lấu, cá heo đuôi đỏ, lợi nhuận một tỷ đồng mỗi năm.
Trước đây, gia đình ông Tâm, ở phường 6, TP Cao Lãnh, thường đánh bắt tôm, cá dưới sông bán cho các đầu mối ở chợ. Tuy nhiên những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản vơi dần, nhiều loài cá gần như vắng bóng. Ông ấp ủ ý định sử dụng vườn xoài 4.000 m2 của gia đình nuôi các loài cá đặc sản sông Cửu Long.
Tháng 6/2021, ông dùng số tiền dành dụm xây bể lót bạt dung tích 800 m3, thả 10.000 cá chạch giống, giá 6.500 đồng mỗi con, tổng chi phí hơn 250 triệu đồng. Biết rõ tập tính sống các loài cá, ông thả thêm cá heo đuôi đỏ. Loài này chủ yếu ăn chất thải của cá chạch, thức ăn thừa và rong rêu nên hầu như không tốn thêm thức ăn, lại giúp làm sạch bể.
"Xét về kinh tế cá chạch lấu rất hiệu quả vì lợi nhuận gấp nhiều lần chi phí đầu tư, giá bán ổn định không như một số loài khác chỉ cần thị trường tăng giảm vài nghìn đồng một kg là lỗ vốn", ông Tâm chia sẻ.
Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ông gặp nhiều khó khăn do hệ thống bơm oxy, cấp nước, bể lọc chưa tương thích dẫn tới môi trường nước không ổn định, cá giống chết hàng loạt. Một số loại bệnh trên cá, ông ngăn ngừa chậm, khiến cả đàn hao hụt 1/3, lợi nhuận thấp hơn dự tính.
Sau 12 tháng thả nuôi, ông xuất bán 3,5 tấn cá chạch lấu, giá 250.000 đồng một kg. Trung bình một kg cá thương phẩm tốn hai kg thức ăn (loại 29.000 đồng một kg), sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 200 triệu đồng. Ông còn thả 100 kg cá heo giống, thu 800 kg, giá bán 500.000 đồng mỗi kg, lãi hơn 300 triệu đồng. "Cá heo nuôi kèm chỉ tốn chi phí con giống, lợi nhuận rất cao", ông chia sẻ.
Sau vụ đầu ông Tâm xây bể thứ hai, luân phiên thả cách nhau 6 tháng, tránh thu hoạch cùng thời điểm. Bên cạnh hai loài đã nuôi, ông xen 1-2 vụ cá linh non ngay trước mùa nước nổi. Loài này thời gian xoay vòng nhanh, trong một tháng đã thu hoạch, lãi 10-20 triệu đồng mỗi vụ. Những vụ nuôi tiếp theo, tỷ lệ hao hụt ít. Với hai bể nuôi, lợi nhuận tăng mạnh lên 800 triệu đồng với cá chạch, từ 500-600 triệu đồng từ cá heo.
Hơn hai năm thả nuôi, ông Tâm nhận thấy cá chạch lấu và cá heo không khó nuôi, quan trọng là nước phải sạch, đủ oxy, ngừa bệnh đúng thời điểm bằng các loại thuốc gốc thảo dược. Ngoài ra, bể nuôi cần nhiều chỗ trú ngụ để cá nghỉ ngơi, mau lớn và ít bệnh.
Ban đầu ông dùng các chùm lưới để cá chui vào sau phát hiện chúng dễ bị xây xát ngoài da nên chuyển sang các loại lồng làm bằng tre, ghép lại với nhau thành nhiều tầng. Ông gọi vui những lồng tre là "nhà lầu" của bầy cá. Con nào tranh được ở trong lồng tre thường mau lớn hơn.
Để tránh dội chợ, khi bầy cá được 8 tháng ông tỉa bán dần những con lớn, cho những nhà hàng trong thành phố hoặc khách hàng đãi đám tiệc. Trong bể ông đặt một số bẫy, chỉ cần dỡ sẽ đủ vài chục kg bán một lần. Cách thu hoạch này cũng hạn chế đánh động cả bầy cá. Khi mật độ giảm dần, số còn lại có thêm không gian phát triển, mau đạt trọng lượng.
Không dừng lại ở nguồn thu từ cá, ông Tâm tận dụng nước thải bể nuôi bơm ra vườn xoài, cung cấp nguồn đạm cho cây (phân cá, thức ăn thừa). Trung bình mỗi tháng ông xả nước ra vườn một lần. Nước men theo kênh đào ngấm vào đất, chủ vườn đỡ chi phí tưới cây và phân bón.
Một lợi ích khác, nước thải sinh ra trùn chỉ - loại thức ăn khoái khẩu của gà. Chủ vườn nuôi thêm bầy gà để tận dụng nguồn phụ phẩm. "Tôi không nghĩ nuôi cá lãi nhiều mà bỏ phí những cái nhỏ. Góp nhặt nhiều nguồn, mô hình mới bền vững", ông nói.
Ông Võ Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cao Lãnh, cho biết mô hình nói trên phù hợp nông nghiệp đô thị, nơi có diện tích nhỏ. Ngoài ra, khi cùng lúc tận dụng được nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp mô hình đáp ứng được tiêu chí tuần hoàn, tăng nguồn thu. "Hội nông dân sẽ đánh giá mô hình của ông Tâm trước khi quyết định khuyến khích nhân rộng", ông Tuấn nói.
TP Cao Lãnh hiện có 3.400 ha xoài tập trung ở các xã, phường ngoại ô, xếp thứ hai ở Đồng Tháp (tổng diện tích 14.000 ha).
Ý kiến ()