Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 22:51 (GMT +7)
Tận dụng giấy in hai mặt để tiết kiệm chi phí...
Thứ 4, 09/10/2013 | 04:57:51 [GMT +7] A A
Đó mới chỉ là một yêu cầu rất nhỏ trong số hàng loạt biện pháp tiết kiệm chi phí, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn hiện nay, vừa được Bộ Tài chính đưa ra. Theo văn bản của bộ này gửi các ngành, địa phương về việc điều hành ngân sách, đã yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu. Theo đó, để bổ sung nguồn dự phòng, Bộ yêu cầu thu hồi số vốn đầu tư, các khoản dự toán chi thường xuyên chưa phân bổ, thực hiện đến hết ngày 30-6. Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí đã bố trí để mua sắm, sửa chữa chỉ được phê duyệt nếu thực sự cấp bách.
Đặc biệt, để giảm chi tiêu thường xuyên, Bộ Tài chính yêu cầu lùi thời gian thực hiện chi mua xe công, cắt giảm chi phí điện, nước, văn phòng phẩm. Cụ thể, việc nhận văn bản, chỉ đạo sẽ qua mạng công nghệ thông tin để hạn chế in, photo giấy tờ không cần thiết. Ngoài ra, đối với công văn cũng được yêu cầu tận dụng giấy in hai mặt để tiết kiệm chi phí.
Cùng với các biện pháp nói trên, việc tổ chức hội nghị, hội thảo cũng kiên quyết phải cắt giảm; tăng cường họp trực tuyến để hạn chế chi phí tổ chức, đi lại, ăn ở. Các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực; lễ tổng kết, đón nhận huân, huy chương; lễ ký kết, khởi công, khánh thành... cũng phải hạn chế. Đối với việc đi công tác nước ngoài, chỉ trường hợp thật sự cần thiết mới cử đi, cấm triệt để việc kết hợp công tác để đi du lịch...
Có lẽ 2013 là năm thu ngân sách nhà nước của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn nhất so với những năm vừa qua. Đây là hệ lụy từ sự khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như trong nước, kéo theo hoạt động sản xuất - kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí phải giải thể, phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách bị giảm sút, nợ đọng thuế lớn, kéo dài. Theo dự báo, nhiều địa phương có số thu thuế lớn cũng sẽ khó có khả năng hoàn thành kế hoạch thu của năm. Và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch chi tiêu. Do vậy, việc Bộ Tài chính đưa ra những chỉ đạo, yêu cầu về tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh hiện nay cũng là hợp lý.
Hơn nữa, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, việc chi tiêu công của không ít ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua cũng còn lãng phí, tiết kiệm chưa triệt để từ việc lớn như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện... đến việc nhỏ như chi phí điện, nước, văn phòng phẩm v.v.. Bởi vậy, việc cơ quan quản lý ngân sách nhà nước quốc gia đưa ra khuyến cáo tận dụng hai mặt giấy để in (chuyện rất nhỏ nếu bình thường) cho thấy tính cấp thiết của việc tiết kiệm chi tiêu hiện nay và cũng là điều đáng để mọi người suy nghĩ...
Tiết kiệm trong điều kiện bình thường đã là điều rất cần thiết, để tích luỹ cho đầu tư phát triển. Tiết kiệm trong bối cảnh suy giảm kinh tế lại càng phải đặc biệt được đề cao, chú trọng. Có như vậy chúng ta mới có nguồn lực để vượt qua khó khăn, thách thức...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()