Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:16 (GMT +7)
Tận dụng mọi dư địa để khôi phục, phát triển kinh tế
Thứ 5, 08/07/2021 | 07:03:29 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn. Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đứt gãy trong điều kiện chuyển sang trạng thái mới, vừa hoạt động bình thường vừa sống chung với dịch, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị đã chủ động rà soát, cơ cấu lại các khoản chi phù hợp với kịch bản thu, nhất là các khoản thu liên quan đến chi thường xuyên; tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm nguồn dự phòng ngân sách. Cùng với đó, tỉnh cũng đang dốc sức tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tập trung tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là về đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, đất đai, tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế... Rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, chủ động giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp, tháo gỡ nhanh, dứt điểm và có tiến độ cụ thể gắn với trách nhiệm đứng đầu cấp ủy, chính quyền từng cấp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành than, nhiệt điện, xi măng, xây dựng, dệt may.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, biên phòng... rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, giảm chi phí không chính thức, đấu tranh, phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng vặt để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch nội địa. Thúc đẩy các dự án sản xuất của các doanh nghiệp trong các KKT, KCN; đẩy mạnh sản xuất nông - lâm - thủy sản, nhất là tốc độ tái đàn lợn, gia cầm...; phát triển doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics về tỉnh...; đầu tư các dự án ngoài ngân sách của những nhà đầu tư chiến lược, như: TKV, FLC, Vingroup, Sun Group, Thành Công, TH, CEO, Texhong, Amata, Foxconn...
Đối với các dự án, công trình trọng điểm, động lực, Quảng Ninh cũng quyết tâm bảo đảm đúng tiến độ khởi công, hoàn thành, tỷ lệ, chất lượng giải ngân, tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm thủ tục hành chính để triển khai dự án trọng điểm, động lực của tỉnh, nhất là các dự án lớn, chiến lược trên địa bàn Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái... để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm.
Cùng với các nhiệm vụ trên, thực hiện chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cơ quan dân cử và UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo và tình hình thực tiễn của tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; đôn đốc, kiểm tra đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án động lực; phát triển các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, KHCN... Đồng thời thường xuyên kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ hằng tuần, hằng tháng, hằng quý để chủ động xử lý theo thẩm quyền; đề xuất giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
HĐND tỉnh cũng đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề và thông qua 14 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng về: Giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội; điều chỉnh chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2021; nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2040; cơ chế chính sách khuyến khích đặc thù phát triển lâm nghiệp bền vững; về chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và phân bổ một số nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2021... Cùng với đó, đã tích cực chú trọng các hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh và lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý điều hành chung của tỉnh.
Với sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng những giải pháp hiệu quả, phù hợp, 6 tháng đầu năm trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng Quảng Ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,02% (cùng kỳ tăng 4,26%), mặc dù thấp hơn 1,3 điểm % so với kịch bản đề ra, song vẫn là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành trong Vùng đồng bằng sông Hồng, là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước. Đây chính là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho cả năm.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()