Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 00:16 (GMT +7)
Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 10/07/2022 | 13:43:03 [GMT +7] A A
Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng ở một góc độ nhất định là sự phản ánh lịch sử cộng đồng trong tâm thức của cư dân bản địa, cũng là một phương thức khá đặc biệt để lưu truyền ký ức lịch sử qua nhiều thế hệ.
Năm 1938, chức dịch các làng xã làm các bản kê thần tích, thần sắc để nộp lên trên theo chủ trương sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ. Căn cứ vào bản kê này, chúng ta thấy, ở Đông Triều các tổng đều có thần tích, thần sắc, như: Tổng Nội Hoàng có 9 bản, tổng Đạm Thủy có 15 bản, tổng Mễ Sơn 15 bản, tổng Yên Khánh 5 bản và tổng Yên Lãng 10 bản.
Ở Quảng Yên, mỗi tổng Hà Nam và Hà Bắc đều có 9 bản. Ở Uông Bí, tổng Bí Giàng có 7 bản thần tích, thần sắc. Đặc biệt, có những làng phối thờ đến 11 vị thành hoàng.
Có những nhân vật thành hoàng làng được thờ ở nhiều làng xã. Thần Cao Sơn được thờ ở các xã Yên Lập, Yên Cư, Khoái Lạc, La Khê (tổng Hà Bắc), Điền Công, Bí Giàng, Lạc Thanh, Hạ Mộ Công, Nam Mẫu, Như Ý Trung (tổng Bí Giàng). Đức Thánh Niệm Phạm Tử Nghi được thờ ở các xã Lưu Khê, Hải Yên, các làng Vị Dương, Quỳnh Biểu, Yên Đông, Trung Bản, Vị Khê, Liêu Khê thuộc tổng Hà Nam.
Đặc biệt, có nhiều vị nhân thần thời Trần đã được thờ làm thành hoàng làng. Tại Đông Triều tổng Nội Hoàng thờ 1 vị, tổng Đạm Thủy thờ 11 vị, tổng Mễ Sơn thờ 38 vị, tổng Yên Khánh thờ 1 vị. Tại Quảng Yên, tổng Hà Nam thờ 5 vị, tổng Hà Bắc thờ 1 vị.
Nhân vật thời Trần được thờ làm thành hoàng làng có thể phân loại thành các vị vua, hoàng tộc và người sống ở thời Trần. Các vị vua được thờ làm thành hoàng gồm: Minh Tông, Nghệ Tông, Anh Tông, Dụ Tông, Thuận Tông, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Duệ Tông. Trong hoàng tộc, Trần Hưng Đạo được thờ nhiều nhất, sau đến An Sinh Vương Trần Liễu, rồi đến một số công chúa, quốc mẫu thái hậu v.v.. Người thời Trần có 4 vị được thờ nhiều là Đại Liêu phụ tế độ, Đại Liêu tử phả hộ cư sĩ, Phổ Độ và Phổ Hộ.
Các tổng Mễ Sơn và Đạm Thủy là những nơi tập trung thờ các vị vua Trần và hoàng tộc, trong đó có cả An Sinh vương Trần Liễu và một số công chúa, hoàng hậu, thái hậu. Tổng Mễ Sơn không chỉ có số lượng nhân thần thời Trần được thờ lớn nhất mà còn là nơi có tỷ lệ nhân thần được thờ trên đơn vị 1 làng lớn hơn cả. Các làng An Sinh và Đốc Trại đều thờ 8 vị vua Trần, làng Tràng Bảng thờ 4 vua và An Sinh vương Trần Liễu.
Lý do căn bản của việc thờ phụng này vì đây là vùng lăng tẩm thái miếu của các vua Trần. Đồng thời, Yên Tử cũng là vùng tu tập của thượng hoàng Trần Nhân Tông. Những người giúp đỡ thượng hoàng lên núi tu tập cũng được nhân dân tôn thờ làm thành hoàng như: Đại Liêu phụ tế đô tôn thần, Đại Liêu tử phả hộ cư sĩ tôn thần vừa kể.
An Sinh vương Trần Liễu được thờ ở các làng Tràng Bảng, Bình Lục, Triều Khê. Làng Mễ Sơn thờ một vị công chúa, làng Hà Lôi thờ Trần triều Bảo Huệ quốc mẫu, Văn Huệ Thái trưởng công chúa, Thượng Trân công chúa, Trần triều Bảo Từ hoàng thái hậu. Làng Phúc Đa thờ hai công chúa Đào Hoa và Liễu Hoa. Làng Hổ Lao thờ công chúa Huệ Lan. Làng Yên Khánh, xã Yên Đức thờ thánh Hang Son còn gọi là Đức Thánh Ba là người đời Trần, có lai lịch giống như vị học trò Thủy Tề gắn với Đầm Mực ở làng Tả Thanh Oai, Hà Nội ngày nay.
Đức Hưng Đạo vương được thờ ở đền Trần Hưng Đạo, đình Yên Giang, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình làng Thiểm Khê tổng Trúc Động, làng Điền Công tổng Bí Giàng. Việc Trần Hưng Đạo được thờ ở nhiều nơi một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của ông trong chiến thắng Bạch Đằng. Tiến sĩ Đinh Thị Thùy Hiên, giảng viên Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Việc thờ phụng Trần Hưng Đạo đứng ở góc độ lịch sử văn hóa có những dấu hiệu cho thấy không gian chiến trận Bạch Đằng ngày càng rộng mở và sâu đậm trong tâm thức dân gian vùng cửa sông.
Trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vùng cửa sông Bạch Đằng có sự hiện diện của nhiều vị thành hoàng làng với sự đa dạng về thân thế từ hoàng đế chí tôn, quý tộc, quan lại cho tới tầng lớp bình dân có công lao nhất định với cộng đồng địa phương. Trong dòng chảy của lịch sử văn hóa, từ những con người thực họ đã bước vào thế giới tâm linh, hiện thân thành những vị thần và gia nhập thần điện của cộng đồng làng xã ở những thời điểm khác nhau, đôi khi làm lu mờ cả hình bóng của những vị thần thành hoàng làng trước đó.
Tương tự, một số người con cũng như một số môn đồ của Trần Hưng Đạo cũng được thánh hóa, trở thành những vị thần trong tín ngưỡng thờ mẫu nhưng ở cấp độ thấp hơn. Hai con gái ông được tôn là nhị vị Vương cô. Bốn con trai là các Đức ông. Con rể ông là Phạm Ngũ Lão được tôn là Đức Thánh Phạm. Hai tùy tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng được tôn là Đức Ông Tả - Hữu.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()