Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:45 (GMT +7)
Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa
Chủ nhật, 24/09/2023 | 07:38:32 [GMT +7] A A
Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế, gắn với thu hẹp khoảng cách vùng miền là chủ trương mà Quảng Ninh đã triển khai trong thời gian qua và tiếp tục duy trì trong thời gian tới…
Theo đánh giá, Quảng Ninh hiện nay là 1 trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Những năm gần đây, tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Đi đôi với đó, tỉnh ưu tiên tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, đồng thời xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa một cách đồng bộ.
Theo đó, đối với các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, cho đến nay 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và địa phương trong 5 năm qua (2018-2022) đạt trên 1.893 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa gần 1.400 tỷ đồng.
"Cần có kế hoạch phân bổ ngân sách, nguồn lực công hợp lý trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm sự công bằng giữa miền núi và miền xuôi. Những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cần chú trọng đến việc bảo tồn và khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo..."
(Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh)
|
Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân và du khách. Trong đó, hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh đáp ứng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế và khu vực, góp phần tạo nên thương hiệu của Quảng Ninh.
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương cũng được đầu tư xây dựng bảo đảm phục vụ tổ chức các sự kiện quan trọng, các hoạt động phong trào trên địa bàn. Cụ thể, 12/13 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (2 Trung tâm tại Đông Triều, Cẩm Phả đạt chuẩn), con số này ở cấp xã là 103/177 xã, phường, thị trấn và 1.449/1.452 thôn bản, khu phố có nhà văn hóa. Giai đoạn 2018-2022, tổng chi ngân sách (chi đầu tư và chi thường xuyên) cho lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh là trên 4.759 tỷ đồng (chiếm 3,6% tổng chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách địa phương).
Thời gian tới đây, để thực hiện tốt việc tạo nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất những giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất: Bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản; thực hiện quy hoạch chi tiết các di tích trọng điểm, có lợi thế để gắn với hoạt động du lịch, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt. Hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng “Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là Di sản thế giới; các di tích Thương cảng Vân Đồn, đình Trà Cổ được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt…
"Bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Từ đó, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn…"
(TS Đàm Khắc Cử, Đại học Công đoàn)
|
Sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực văn hóa, thể thao để tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, phục vụ cho cộng đồng. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã đầu tư, xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần có phương án huy động các nguồn lực tạo quỹ đất sạch, đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao. Cần có kế hoạch phân bổ ngân sách, nguồn lực công hợp lý trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm sự công bằng giữa miền núi và miền xuôi. Những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cần chú trọng đến việc bảo tồn và khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Cần bảo tồn, xây dựng một số thôn, bản trở thành những điểm du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn…
Nối tiếp ý này, TS Đàm Khắc Cử, Đại học Công đoàn, cũng đề xuất: Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Từ đó, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn…
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()