Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:05 (GMT +7)
Tăng cường giám sát ATVSLĐ ở các công trình dân dụng
Thứ 3, 25/04/2023 | 07:19:28 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng các hộ gia đình cải tạo, xây dựng nhà mới trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở các công trình xây dựng dân dụng chưa được thực hiện nghiêm túc.
Có hàng xóm xây nhà mới, mặc dù thông cảm với gia chủ, nhưng nhiều lúc, bà Đ.T.H, khu 6, phường Hồng Hà khá bức xúc bởi sự ô nhiễm môi trường. Bà H cho biết: “Sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng vì bụi, tiếng ồn và cả vôi vữa dư thừa từ trên cao bị thợ hất xuống, quá trình xây nhà cũng không che bạt phủ bụi. Do nhà tôi thấp, phơi quần áo chỉ 1 buổi thấy bụi bám trắng xóa; sân sáng vừa rửa, chiều đã hàng lớp bụi. Tôi cũng trao đổi với chủ nhóm thợ và người giám sát công trình nhiều lần, nhưng tình trạng này vẫn không cải thiện, trong khi chủ nhà ít xuất hiện để gặp, trao đổi. Mà nói nhiều lại sợ mất tình làng, nghĩa xóm”.
Không chỉ bụi bặm, nhiều công trình còn để sắt, cát, sỏi dưới lòng đường ảnh hưởng đến giao thông ngõ xóm. Do dựng lán trại tạm bợ, nhiều nhóm thợ còn tắm rửa, nấu ăn đổ nước lênh láng ra đường đi... gây mất vệ sinh chung.
Theo quan sát của chúng tôi, nếu xét theo tiêu chuẩn quỹ thuật quốc gia an toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021//BXD) ban hành kèm Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng thì hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay đều không đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động. Cụ thể, như: Nhóm thợ hầu như không có bảo hộ lao động, nhất là mũ bảo hiểm hoặc mũ cứng để bảo vệ đầu do vật rơi, bay vào hoặc va chạm với các vật thể xung quanh; nơi ăn ở không đảm bảo vệ sinh...
Nhiều nhà đã xây lên đến tầng 3, tầng 4, nhưng tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn hoặc tấm chặn chân, lưới hoặc sàn đỡ an toàn để ngăn ngừa người bị rơi từ trên cao xuống. Hầu hết người lao động cũng không sử dụng dây an toàn khi làm việc trên cao. Khi dựng lắp cốp pha ở độ cao, nhưng nhiều công trình cũng không có giá đỡ để thợ đứng thao tác.
Đặc biệt, phần lớn các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ không thực hiện che chắn hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm hạn chế phát tán khí thải, tiếng ồn, độ rung và các tác động khác để không vượt quá các giới hạn cho phép. Ở các công trình này cũng không có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao xuống. Thậm chí có những công trình, thợ tiện tay xúc hất vật liệu thừa từ tầng cao xuống mặt đất gây bụi ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh... Hầu hết các tốp thợ ở những công trình này đều không được đóng BHXH, BHYT. Nhận thức của người lao động ở những công trình này còn hạn chế nên cũng chưa đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân...
Được biết, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng. Trong khi đó, các đoàn liên ngành hầu hết mới chỉ kiểm tra, giám sát các công trình của các doanh nghiệp có mối quan hệ với người lao động (hợp đồng lao động) chứ chưa kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại các công trình nhà ở riêng lẻ.
Còn đối với cấp phường, xã, thị trấn, dẫu nắm bắt khá chắc các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn, nhưng vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh lao động ở các công trình này vẫn hạn chế. Nếu có kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc xem công trình có giấy phép xây dựng hay không, có bản thiết kế kỹ thuật không, xây dựng theo đúng giấy phép hay không... Chưa kể đến việc thực hiện kiểm tra cũng khá khó khăn bởi nhóm thợ xây nhà ở riêng lẻ chủ yếu từ tỉnh khác đến, họ chỉ ở khoảng 3-4 tháng trên địa bàn phường lại di dời đi nơi khác. Ở các nhóm thợ này đều không có hợp đồng lao động; thậm chí giữa nhóm thợ với chủ nhà cũng không có hợp đồng xây dựng nên khó dựa trên các quy định để xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh lao động.
Thực tế cho thấy, hầu hết năm nào cũng có người chết do tai nạn lao động ở các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn. Nguyên nhân vẫn là người sử dụng lao động và người lao động không tuân thủ quy định về an toàn lao động.
Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh cũng đã yêu cầu UBND cấp xã, người lao động thực hiện các kiến nghị để phòng tránh tai nạn lao động tái diễn; tập trung vào việc hướng dẫn UBND cấp xã, phường thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động; hướng dẫn người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động... Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát ở cấp này vẫn rất hạn chế.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trong năm 2022, trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra 9 vụ tai nạn lao động ở các công trình xây dựng làm chết 9 người. Nguyên nhân tai nạn là do ngã từ trên cao và điện giật trong quá trình xây dựng các công trình. Bởi vậy, việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở các công trình xây dựng dân dụng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyên địa phương hơn nữa.
Thu Nguyệt
- Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - Nhìn từ đơn vị sản xuất công nghiệp nặng
- Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong an toàn vệ sinh lao động?
- Tổng Công ty Đông Bắc: Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
- Tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động
- Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác than
Liên kết website
Ý kiến ()