Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:14 (GMT +7)
Tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng
Thứ 5, 15/06/2023 | 08:36:53 [GMT +7] A A
Xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo QP-AN, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng đến người dân trên địa bàn.
Quan điểm xuyên suốt của Quảng Ninh là phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng, cũng như khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái... đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Để thực hiện được điều đó, Quảng Ninh tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua tăng cường tuyên truyền, PBGDPL. Cùng với quán triệt, triển khai các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và nhiều nghị quyết, chỉ thị công tác quản lý, bảo vệ và phát triến rừng.
Các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, chính sách, phát luật về bảo vệ, phát triển rừng của Trung ương, của tỉnh ban hành đều được cấp uỷ, chính quyền, các sở, ban, ngành trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt, thực hiện đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và trực tiếp là bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng các đơn vị luôn nghiêm túc quán triệt, triển khai đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm tra, giám sát, thanh tra về quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp... Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp sai phạm.
Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến rừng cho người dân, nhất là ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo... nơi có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 1.300 hội nghị tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp cho hơn 72.000 lượt người; tổ chức 33 lớp tập huấn với 2.095 lượt người tham dự; tổ chức 13 cuộc thi viết với số lượng 13.029 bài về kiến thức pháp luật bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, các địa phương còn tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng với 4.598 lần phát trên loa truyền thanh của xã, phường; tổ chức tuyên truyền lưu động tại một số xã trên địa bàn các huyện còn nhiều diện tích rừng tự nhiên với 44.731 tài liệu, tờ rơi.
Trung tâm Truyền thông tỉnh cũng tích cực vào cuộc trong tuyên truyền, PBGDPL về bảo vệ, phát triển rừng đến đông đảo người dân. Từ năm 2019 đến nay, trung tâm thực hiện 222 lần tuyên truyền trên truyền hình với 1.020 lần phát sóng; 103 bài phóng sự trên truyền hình, 405 bài báo.
Các ngành, địa phương cũng tăng cường thanh tra, tập trung vào việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý rừng, phát triển rừng, PCCR và sử dụng đất lâm nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Từ năm 2017 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã xử lý kỷ luật 3 cá nhân là người đứng đầu vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 799 vụ vi phạm quy định về bảo vệ phát triển rừng, trong đó xử lý hành chính 784 vụ, tổng số tiền thu nộp NSNN hơn 7,2 tỷ đồng, xử lý hình sự 15 vụ.
Thông qua công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần giúp nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng bền vững, PCCR cho cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tổ chức, doanh nghiệp, chủ rừng, hộ gia đình và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh đã trồng được 73.746ha rừng tập trung; chất lượng rừng được nâng lên đáng kể thông qua việc trồng được 7.587,7ha cây bản địa (thông, quế, lim xanh, giổi, lát...) thay thế cây keo. Đến nay, toàn tỉnh có 339.982,81ha tổng diện tích rừng với độ che phủ rừng đạt 55%, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 123.923,36ha.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()