Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:37 (GMT +7)
Tăng cường ổn định giá cả thị trường
Thứ 3, 15/03/2022 | 07:56:53 [GMT +7] A A
Ngày 11/3 vừa qua, giá xăng trong nước đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng, lên 29.820 đồng, xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng/lít và dầu tăng 2.520-3.950 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp của giá xăng trong nước tính từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân là do giá cả và nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh và khan hiếm. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã đẩy giá dầu và khí đốt leo thang. Trong khi khả năng cung ứng của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước có giới hạn...
Giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua đã khiến cho nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo và thiết lập mặt bằng giá mới. Vấn đề tăng giá hàng hóa thiết yếu hiện nay sau khi xăng dầu tăng giá mạnh và liên tục đã trở thành vấn đề thời sự của người tiêu dùng, là câu chuyện bàn luận thường ngày ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Bởi lẽ từ quả trứng, mớ rau đến cân thịt, con gà, con cá... đều đã đua nhau tăng giá. Theo nhiều người lao động, một suất cơm bình dân hiện tại cũng đã tăng vài ngàn đồng, có nơi tăng thêm đến 5.000 đồng. Nói tóm lại rất nhiều mặt hàng trên thị trường đã được đẩy giá lên tăng theo giá xăng dầu, trong đó phổ biến là nhóm các mặt hàng thiết yếu. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng và đời sống của nhiều người dân. Trong khi đó, do tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua và cả hiện nay đã làm cho công việc, thu nhập của người lao động bị giảm sút, nhất là những lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải hành khách. Điều này cũng đang làm cho sức mua của thị trường giảm sút vốn trước đó đã bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Như vậy cũng đồng nghĩa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuấtc- kinh doanh của các đơn vị, tới nền kinh tế...
Điều đáng lo ngại hiện nay là có tình trạng lợi dụng giá xăng dầu tăng để "té nước theo mưa", "ăn theo". Đó là việc tăng giá hàng hóa một cách tùy tiện, không có cơ sở, căn cứ, với mục đích để trục lợi cá nhân, trục lợi cho đơn vị...
Xăng dầu là chi phí đầu vào của rất nhiều hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chính sách điều hành giá cả của nhà nước mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Do vậy, bên cạnh các chính sách, biện pháp điều hành ở tầm vĩ mô như giảm thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu để kéo giảm giá mặt hàng chiến lược này ở mức hợp lý, thì chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm là giá dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải và các mặt hàng thiết yếu. Tránh để xảy ra tình trạng tăng giá theo phong trào, tăng giá bất hợp lý. Với các trường hợp cố tình vi phạm giá cả thị trường, tăng giá không có cơ sở, lý do chính đáng, bán hàng không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết cần được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, để ổn định thị trường, không làm xáo trộn gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng...
Theo phân tích, giá xăng ở Việt Nam được cấu thành từ giá nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong mỗi lít xăng, thuế, phí các loại đã chiếm tới 40-42% giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Do vậy, để kéo giảm giá xăng dầu đang tăng mạnh liên tục, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít...Và thời gian thực hiện từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Hy vọng, chính sách này sẽ góp phần để giảm "sức nóng" của việc tăng giá xăng dầu ở mức cao hiện nay, đảm bảo nhanh chóng ổn định giá cả thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tháo gỡ những khó khăn, thiếu hụt trong đời sống của nhân dân, người lao động do tác động từ giá cả leo thang...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()