Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:26 (GMT +7)
Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa hè
Thứ 5, 13/06/2024 | 11:37:49 [GMT +7] A A
Ở nước ta, mùa hè có thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, khiến cho ký sinh trùng, virus và vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển mạnh. Chính vì vậy đây là thời điểm sinh sôi, phát triển nhiều dịch bệnh khó kiểm soát ở cả người lớn và trẻ em. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm trong mùa này.
Vào mùa hè, người dân đặc biệt là người già và trẻ nhỏ thường phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng cao đột ngột, nắng nóng, oi bức kéo dài, cơ thể mệt mỏi do mất nước. Khi cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, gây ra một số dịch bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi và véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh dễ phát sinh bệnh sốt xuất huyết. Đây cũng là mùa khiến thức ăn cũng dễ bị ôi thiu, lên men nhanh, nếu không cẩn trọng trong ăn uống sẽ gây ra những bệnh về đường ruột, rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt, ở trẻ em, do chưa phát triển thể chất một cách đầy đủ và hệ thống miễn dịch cũng còn non yếu, nên rất dễ mắc bệnh trong mùa hè. Các bệnh truyền nhiễm hay gặp nhất ở trẻ vào mùa này là: Cúm A, cúm B, tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy, tả… nếu không được điều trị kịp thời có thể làm bệnh nặng lên.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ ngày 1/4 đến 31/5, bệnh viện đã tiếp nhận 224 bệnh nhân nhập viện do bệnh truyền nhiễm, trong đó các bệnh cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, thủy đậu và tay chân miệng chiếm số đông. Bệnh nhân đến khám thường trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, khó chịu, kém ăn, cơ thể mệt mỏi...
Để phòng tránh các dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh, người dân từ trẻ em đến người lớn tuổi cần chủ động tiêm phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Khi người lớn được tiêm chủng có thể kiềm chế sự lây lan của bệnh sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Thanh (28 tuổi, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) chia sẻ: Nhiều người vẫn nói rằng tiêm phòng vắc xin không có nhiều tác dụng tránh bệnh vì nhiều khi tiêm phòng rồi vẫn mắc bệnh. Nhưng theo tôi vẫn nên tiêm phòng vì nếu chẳng may nhiễm bệnh thì các triệu chứng bệnh cũng nhẹ hơn và tránh để lại các di chứng của bệnh. Với cá nhân tôi, hầu như những loại vắc xin tôi đã lựa chọn tiêm cho bản thân và gia đình theo đúng hướng dẫn thì thấy chưa bị mắc các căn bệnh đó.
Bác sỹ CKII Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khuyến cáo: Để phòng tránh các căn bệnh mùa hè, bên cạnh việc chủ động tiêm vắc xin, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng nước sạch; phun thuốc diệt côn trùng và vệ sinh sạch sẽ nơi ở, sinh hoạt; rửa tay hằng ngày bằng dung dịch diệt khuẩn tay nhanh, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ; đảm bảo ăn chín, uống sôi, dinh dưỡng hợp lí; uống đủ lượng nước trong một ngày. Trong trường hợp có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()