Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Tăng cường phòng, chống các bệnh không lây nhiễm
Thứ 5, 22/08/2024 | 05:17:45 [GMT +7] A A
Dù không có khả năng lây truyền, nhưng bệnh không lây nhiễm thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, cũng như gây ra những tác hại lớn cho gia đình, xã hội. Ước tính mỗi năm, tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân và Quảng Ninh cũng không ngoại lệ. Bởi vậy phòng, chống các bệnh không lây nhiễm luôn được ngành y tế tỉnh chú trọng.
7 tháng năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận điều trị hơn 20 ca phình động mạch chủ bụng - một bệnh lý mạch máu nguy hiểm đe dọa tính mạng và ngày càng phổ biến ở người cao tuổi. Theo bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), qua khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân chủ yếu mắc những bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Bá Việt cho biết: Số lượng người đến khám, điều trị tại bệnh viện phát hiện tăng huyết áp, đái tháo đường ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm thường để lại hậu quả nặng nề đến sức khỏe và gánh nặng kinh tế gia đình, như bệnh tim mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, hoặc tử vong; bệnh ung thư khiến bệnh nhân tử vong do suy kiệt, suy tạng; bệnh suy hô hấp mạn tính gây chấn thương phổi, thuyên tắc phổi, xơ phổi, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp; đái tháo đường gây ra biến chứng suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton,…
Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận lượng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trước thực trạng đó, ngành y tế đã tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người dân; đẩy mạnh phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bệnh này. Mạng lưới truyền thông y tế hiện có 386 người và 1.806 người trong mạng lưới cộng tác viên truyền thông. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2024 đã có 876 cán bộ, nhân viên y tế được tập huấn về truyền thông giáo dục sức khỏe.
Qua đó, toàn ngành đã tổ chức 2.037 buổi tọa đàm; 2.340 buổi, lượt nói chuyện sức khỏe tập trung và 409.810 lượt tư vấn sức khỏe cá nhân, trong đó có tọa đàm, tuyên truyền, tư vấn về phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Ngành y tế cũng đã đăng tải 3.176 lượt tin, bài tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, website; tuyên truyền 27.539 lượt trên phát thanh, 120 tin, bài trên truyền hình. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống các bệnh không lây nhiễm thông qua mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok, youtube…) với 6.363 lượt tin, bài đăng tải, 413.942 lượt người theo dõi.
Cùng với tuyên truyền, hằng năm ngành y tế còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; đồng thời thực hiện triển khai khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... 6 tháng đầu năm 2024, CDC Quảng Ninh đã triển khai khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư vú tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long) và 7 điểm tại TX Quảng Yên cho tổng số 3612 người. Số người phát hiện bệnh hoặc có yếu tố nguy cơ được chuyển về trạm y tế lập danh sách quản lý, theo dõi.
Theo chỉ đạo của Sở Y tế, CDC Quảng Ninh còn tiến hành giám sát hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm ở 12/13 trung tâm y tế và 46/177 trạm y tế trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy, tỷ lệ người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp 1 lần/năm phát hiện sớm tăng huyết áp đạt 28,6%; tỷ lệ người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ, hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường đạt 26,8%.
Đến hết năm 2023, tổng số bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện là 66.440, trong đó được quản lý tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh là 51.647 người; có 30.518 người điều trị huyết áp mục tiêu. Còn tổng số phát hiện đái tháo đường là 24.906 người; trong đó quản lý điều trị tại các trạm là người 22.519; có 16.300 người điều trị đạt đường máu mục tiêu.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 26.601 lượt được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Qua sàng lọc đã phát hiện 144 ca VIA dương tính (nghiệm pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch axit axetic 3-5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện bất thường bao gồm các tổn thương tiền ung thư); 240 ca có kết quả xét nghiệm tế bào bất thường và 229 ca dương tính với vi rút HPV.
Theo ngành y tế, từ nay đến hết năm 2025, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư vú; tổ chức 1 cuộc điều tra thực trạng và các yếu tố nguy cơ liên quan một số bệnh không lây nhiễm cho người dân từ 15 tuổi trở lên và 1 cuộc điều tra hành vi sức khỏe của học sinh và các đối tượng thanh, thiếu niên 13-17 tuổi tại Quảng Ninh vào năm 2025; tiếp tục giám sát hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại 13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh truyền thông yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()