Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:42 (GMT +7)
Ứng phó với các loại dịch bệnh nguy hiểm
Chủ nhật, 21/07/2024 | 21:54:37 [GMT +7] A A
Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, sốt xuất huyết… đang trong giai đoạn cao điểm, bùng phát, lây lan tại các địa phương. Nếu không chủ động các biện pháp phòng chống, để dịch chồng dịch, dễ dẫn tới quá tải cả hệ thống dự phòng và điều trị.
Dịch xuất hiện không theo quy luật
Sau thời gian dài, ngày 24/6/2024, tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tái xuất hiện ca bệnh bạch hầu nặng và tử vong. 119 người có tiếp xúc gần với ca bệnh trên đã được khoanh vùng, uống thuốc kháng sinh dự phòng, lấy mẫu xét nghiệm và tiếp tục theo dõi ổ dịch trong 14 ngày theo quy định. Đến nay, đã khoảng 2 tuần, tình hình dịch bạch hầu tại Nghệ An đã ổn định, không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Tại Bắc Giang, liên quan đến ca bệnh bạch hầu đã tử vong, địa phương cũng ghi nhận 2 ca mắc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Bắc Giang) đã phối hợp xử lý, triển khai biện pháp phòng chống dịch; sẵn sàng tình huống đáp ứng nếu dịch lây lan rộng.
Trước đó, cuối năm 2023, tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… cũng đã ghi nhận rải rác các ổ dịch bạch hầu tái xuất hiện với hàng chục ca mắc và đã kịp thời được khống chế. Hiện nay, dịch bệnh vẫn xuất hiện rải rác và mầm bệnh trong cộng đồng vẫn lưu hành.
Cùng với dịch bạch hầu, các địa phương cũng đang “gồng mình” ứng phó với dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, không còn theo quy luật hàng năm.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 1.058 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lo ngại, có tới 75% số điểm giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) ở mức nguy cơ cao bùng phát dịch. CDC Hà Nội dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và ghi nhận thêm các ổ dịch mới. Nếu tính theo chu kỳ 3-4 năm mới bùng phát một lần thì dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đã không còn theo quy luật khi diễn biến phức tạp trong mấy năm gần đây.
Tại Hải Phòng dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp khi số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng vọt lên hơn 800 ca mắc/tuần trong những tuần gần đây; tới có 252 ổ dịch đang hoạt động.
Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, dịch sốt xuất huyết cũng tăng cao, dự báo dịch sốt xuất huyết tại các địa phương này có thể kéo dài, lan rộng, tăng số ca nặng…
Dịch sởi cũng đang là mối lo ngại lớn với các tỉnh như: Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh… Dịch bệnh ho gà cũng xuất hiện các ca bệnh tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế… sau một thời gian không có ca mắc.
Đánh giá về tình hình nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cùng lúc như hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch bệnh đang xuất hiện chủ yếu liên quan đến các bệnh đã có vaccine, nhưng do tỷ lệ tiêm chủng tại một số địa phương thấp cộng với việc đi lại, giao lưu cao của người dân kéo theo khả năng lây nhiễm. Dịch bạch hầu có sự lây lan thời gian qua là do nhiều người dân không tiêm chủng, xuất phát từ huyện miền núi Nghệ An lây sang ca bệnh ở Bắc Giang là một minh chứng.
Bên cạnh đó, song song với dịch bạch hầu, bệnh ho gà gần đây gia tăng cũng do nguyên nhân trên, vì vaccine phòng bệnh bạch hầu và ho gà thường tích hợp trong một mũi.
“Thời gian qua, do tình trạng thiếu vaccine xảy ra, một số trường hợp không được mở rộng tiêm chủng, nhất là trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng bị giảm và thiếu vacicne 5 in 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ cũng khiến dịch bệnh tái xuất hiện. Thực tế này không bất thường vì đã biết nguyên nhân là do tiêm chủng, thời gian trước trẻ được tiêm chủng đầy đủ, những dịch bệnh này ít xảy ra”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Phòng hơn chống
Trước tình hình nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận ca mắc, đều là những bệnh rất dễ lây lan, thành dịch xuất hiện; ngành y tế và các địa phương đang tăng cường kiểm soát, ngăn chặn.
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
Ngành y tế các địa phương chú trọng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; các địa phương tăng cường lấy mẫu xét nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Một trong các biện pháp phòng dịch hiện nay là cần thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đồng thời, các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Đặc biệt, việc cận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch cần ưu tiên, nhất là khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, kế hoạch phòng chống dịch của Bộ Y tế, địa phương đã có, vấn đề còn lại ở việc đáp ứng và thực hiện. Từ công tác chuẩn bị sẵn sàng mua sắm, trang bị phương tiện phòng dịch; đến phương án sẵn sàng cơ số vaccine dự trữ khi có dịch. Kinh phí địa phương cũng phải sẵn sàng, tránh tình trạng có kinh phí dự trữ nhưng có dịch mới cấp và phải thực hiện làm các thủ tục mua sắm, hạn chế tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Dịch bệnh nếu được phòng tốt sẽ giảm thiệt hại; còn nếu không có sự chuẩn bị, để dịch xảy ra thì công tác phòng chống sẽ rất khó khăn. Do vậy, cả người dân và chính quyền cần phải có phương án phòng chống từ xa như: Cơ chế đấu thầu vaccine, mua sắm trang thiết bị phòng dịch... Ngoài ra, chính quyền các địa phương phải thực sự vào cuộc, không để dịch bùng phát mới chống, còn người dân cũng cần phải chủ động tiêm vaccine phòng dịch.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()