Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:08 (GMT +7)
Chủ động phòng dịch hại bảo vệ mùa màng
Thứ 5, 09/06/2022 | 07:44:39 [GMT +7] A A
Hiện nay, lúa vụ chiêm xuân đang ở giai đoạn đứng cái, chín sữa. Thời gian này, thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều và nắng nóng xen kẽ, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương thường xuyên nắm bắt, phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, góp phần sản xuất vụ mùa thắng lợi.
Sau khi gieo cấy xong 1,3 mẫu các giống lúa hương thơm và bắc thơm, bà Trần Thị Thu Hằng (khu Bến Chiều, phường Hồng Phong, TX Đông Triều) thường xuyên thăm đồng, kiểm tra lượng nước và theo dõi sự sinh trưởng của cây lúa. Bà Hằng cho biết: Do lúa vụ chiêm xuân có thời gian sinh trưởng ngắn và phát triển trong điều kiện nắng nóng, mưa nhiều, thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bệnh bạc lá trong giai đoạn làm đòng - trổ bông, nên ngay từ đầu vụ, theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và địa phương, gia đình đã chủ động xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học; trước khi cấy phun phòng trừ sâu trên mạ và cấy theo hiệu ứng hàng biên…; nhờ đó, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế tối đa sâu bệnh, tạo tiền đề cho năng suất cao.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế, TX Đông Triều, cho biết: Là địa phương có truyền thống thâm canh cây lúa, những năm gần đây, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được nông dân đưa vào gieo cấy và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, như: Bón phân cân đối, cấy lúa theo mật độ hợp lý, tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng tối đa, tăng số hạt trên bông, đặc biệt tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và chống đổ. Ngoài ra, cán bộ nông nghiệp thị xã và các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn diễn biến sâu bệnh hại lúa vụ mùa, quy mô và mức độ gây hại để người dân biết, chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh tư tưởng chủ quan. Hiện, lúa vụ chiêm trên địa bàn thị xã sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh đều dưới ngưỡng phòng trừ.
Thực tế thời điểm này, thời tiết trên địa bàn tỉnh có những diễn biến thất thường, một số địa phương đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh hại trên cây lúa, tuy nhiên so với năm 2021, diện tích lúa bị sâu bệnh giảm. Cụ thể, diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn khoảng 314ha, tại các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, giảm 546ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nhiễm bệnh bạc lá là 20ha tại Móng Cái, giảm 53,6ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nhiễm chuột là 65ha tại Uông Bí, giảm 35ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá là 41ha tại Móng Cái, Hạ Long, Ba Chẽ, giảm 2ha so với cùng kỳ năm trước… Ngoài ra, các bệnh sâu đục thân 2 chấm, bọ xít, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đốm nâu,... phát sinh, gây hại nhẹ.
Vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh đã cấy, gieo sạ trên 15.400ha. Cơ cấu giống lúa được sử dụng chủ yếu là: Khang Dân, Việt Hưng, Hà Phát, Hương thơm, Bắc thơm... Để bảo đảm lúa chiêm phát triển tốt, theo đánh giá từ ngành Nông nghiệp, người dân đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ kinh nghiệm sản xuất lâu năm, ý thức về tầm quan trọng của việc phòng trừ sâu bệnh của bà con ngày càng được nâng cao. Do đó, các diện tích lúa nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ đều được bà con chủ động tiến hành xử lý ngay, nên diện tích lúa cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh điều tra, dự tính, dự báo sự phát triển của sâu bệnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, từ đầu năm 2021 đến nay, để đảm bảo chất lượng của các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra trên 20 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra, các cơ sở cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: Thời tiết trong giai đoạn hiện nay thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, nhưng cũng thuận lợi để sinh vật gây hại và một số bệnh trên lúa phát triển mạnh, như: Sâu đục thân hai chấm, bệnh vàng lá sinh lý, bệnh khô vằn, rầy các loại, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn… Vì vậy, cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng cường điều tra, dự tính, dự báo sự phát triển, gây hại của sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đồng thời, khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi sinh trưởng của cây, phát hiện sớm sâu bệnh. Ngành cũng chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương bố trí cán bộ khuyến nông theo dõi, bám sát đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn bà con nông dân biện pháp bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo đúng nguyên tắc, liều lượng để hạn chế sâu bệnh hại phát triển, duy trì ổn định sinh trưởng của cây.
Liên kết website
Ý kiến ()