Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:10 (GMT +7)
Tăng cường quản lý các di tích và lễ hội đầu xuân
Chủ nhật, 12/02/2023 | 07:06:22 [GMT +7] A A
Những ngày đầu năm, lượng du khách đổ về các di tích, tham gia các lễ hội trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến gây áp lực lên hạ tầng giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Vì vậy, việc tăng cường quản lý các di tích và lễ hội đầu xuân được đặt ra một cách bức thiết.
Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, với hơn 100 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Các lễ hội phần lớn diễn ra vào mùa xuân như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên); lễ hội Yên Tử, lễ hội đền, chùa Hang Son, lễ hội đình Đền Công, lễ hội chùa Phổ Am (TP Uông Bí); lễ hội chùa Ngọa Vân, lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều); lễ hội đình Đầm Hà; lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu); lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái).
Đặc biệt, Lễ hội Yên Tử có quy mô lớn và thời gian kéo dài trong 3 tháng đầu năm. Một số di tích không có lễ hội đầu năm nhưng vẫn tổ chức lễ khai xuân như: Chùa Ba Vàng, chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên, chùa Cái Bầu, đền An Sinh, đền An Biên, đình chùa Nhuệ Hổ, đền Cặp Tiên, đền Cái Lân, đền Trần Quốc Nghiễn…
Trên cơ sở chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch khảo sát; kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định và hướng dẫn của trung ương và tỉnh.
Sở và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về lịch sử và lễ hội để nhân dân đến chiêm bái thực hiện nếp sống văn minh và thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động di tích lễ hội; thành lập Đoàn công tác kiểm tra thực tế, hướng dẫn về công tác tuyên truyền trực quan, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống.
Các địa phương triển khai chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội, tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, không để những hình ảnh phản cảm diễn ra trong lễ hội. Các lễ hội trước khi tổ chức đều có văn bản báo cáo, xin ý kiến của UBND các cấp; thành lập ban tổ chức, các tiểu ban theo đúng quy định; có các phương án đảm bảo tổ chức vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, chỉnh trang di tích, địa điểm tổ chức lễ hội.
Các Ban tổ chức lễ hội lựa chọn các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đưa vào chương trình tổ chức tạo không khí phấn khởi cho người dân và du khách tham gia; không để tình trạng lợi dụng lễ hội, đông người để tuyên truyền nội dung phản động, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép; không tổ chức dâng sao giải hạn.
Các cấp, các ngành và địa phương đều tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời; giám sát việc tổ chức, quản lý và thực hiện các chỉ đạo của trung ương, tỉnh tại di tích đảm bảo phục vụ nhân dân, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán. Ban tổ chức các lễ hội đã đặt hòm công đức đúng nơi quy định.
Tại Yên Tử, địa điểm du lịch tâm linh lớn nhất tỉnh, mỗi điểm di tích không đặt quá 3 hòm công đức tại ban thờ chính. Các hòm công đức được dán tem niêm phong, có chữ ký của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan. Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, UBND xã Thượng Yên Công và Công ty CP Dịch vụ Tây Yên Tử đã ký kết các quy chế phối hợp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại các khu vực giáp ranh giữa Quảng Ninh và Bắc Giang.
Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho tháo dỡ một số quán tạm bán nước tại khu vực tượng Phật hoàng, tượng An Kỳ Sinh. Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã kịp thời bố trí các thùng rác dọc tuyến đường hành hương, hợp đồng với 100 lao động vệ sinh thu gom, vận chuyển rác. Nhờ vậy, công tác an ninh trật tự tại khu di tích Yên Tử cơ bản được giữ vững. Các hiện tượng bán hàng rong lấn chiếm lòng đường đã được xử lý. Không có hiện tượng cò mồi chèo kéo, đổi tiền lẻ, đeo bám khách để bán hàng, không có hiện tượng trộm cắp, móc túi. Những điểm tắc đường cục bộ đã được phân luồng kịp thời xử lý.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Lễ hội năm nay cơ bản đang diễn ra thuận lợi, thời tiết và không gian đẹp. Các điểm dừng chân, lan can, đường đi lối lại được củng cố, xây dựng đẹp, hàng quán được dẹp bỏ trả lại không gian cho du khách. Đồ ăn phải đóng gói bày bán trong tủ kính. Không có hàng quán bán thịt nướng ở các nhà ga, không có ăn mày, ăn xin, xóc thẻ, mê tín dị đoan. Hệ thống âm thanh cũng được thống nhất dọc đường hành hương, không gây ô nhiễm tiếng ồn...
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()