Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:21 (GMT +7)
Vì một mùa lễ hội vui tươi, an toàn
Thứ 7, 04/02/2023 | 11:22:38 [GMT +7] A A
Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, TP Hạ Long đón lượng lớn người dân và du khách thập phương đến các điểm du lịch tâm linh, lễ hội để vãn cảnh, chiêm bái. Cùng với không khí khẩn trương, háo hức, các ngành chức năng của thành phố sớm tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định, thuần phong mỹ tục, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp...
Phát huy giá trị tín ngưỡng tốt đẹp
Thời tiết dịp Tết Nguyên đán năm nay thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân và du khách đến các điểm du lịch tâm linh để vãn cảnh, chiêm bái. Tại chùa Long Tiên (TP Hạ Long), lượng khách trong những ngày đầu năm lên đến hàng trăm người. Tuy nhiên, mọi công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn được thực hiện nghiêm. Chị Nguyễn Thị Dung (khu 3, phường Cao Thắng) cho biết: Theo tục lệ đầu năm, nhà tôi thường đến chùa Long Tiên để vãn cảnh và cầu mong năm mới bình an, may mắn. Dù vẫn biết thời điểm giao thừa rất đông người nhưng gia đình tôi thấy yên tâm vì có lực lượng công an giao thông phân luồng, dân phòng và bảo vệ kiểm soát trật tự, an toàn trong và xung quanh chùa...
Không chỉ ở chùa Long Tiên, các cơ sở thờ tự, điểm tâm linh khác trên địa bàn thành phố cũng đón lượng lớn du khách sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại đền Đức Ông, Ban Quản lý đền cũng đã chủ động xây dựng các nội dung, phần việc để đảm bảo tốt nhất công tác đón xuân Quý Mão 2023, từ trang trí khánh tiết, tu sửa các hạng mục xuống cấp... Cùng với đó, kiểm tra lại hệ thống bình chữa cháy, thay thế các hệ thống dây diện, đèn xuống cấp để đảm bảo an toàn PCCC mùa lễ hội. Ban cũng thiết kế, sắp đặt hệ thống cây cảnh, dàn đèn trang trí, tạo thành các cảnh điểm đẹp cho du khách chụp ảnh sau khi về dâng hương hay nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh...
Tại chùa Lôi Âm (phường Đại Yên), dịp cao điểm năm nay diễn ra từ ngày 22/1-19/2 (từ mùng 1-29 tháng Giêng), nhất là các ngày mùng 4, mùng 5 Tết và các ngày cuối tuần đón từ 2.000-3.000 du khách hành hương.
Ông Nguyễn Bình Thiên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Đại Yên (TP Hạ Long) cho biết: Để đảm bảo an toàn mùa lễ hội, UBND phường đã sớm xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo lễ hội chùa Lôi Âm; bố trí 19 phương tiện đò đủ điều kiện tham gia chở khách tại bến đò chùa Lôi Âm. Các chủ phương tiện ký cam kết đảm bảo thực hiện tốt các quy định về giữ gìn ANTT, ATGT đường thủy nội địa, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ áo phao cho du khách trên đò, chạy đúng luồng, tuyến quy định, chở đúng số người đã được cơ quan đăng kiểm cho phép. Các loại dịch vụ theo đúng quy định của Nhà nước, lịch sự trong ứng xử khi phục vụ du khách. Lực lượng CSGT, Công an TP Hạ Long, Công an phường Đại Yên bố trí lực lượng kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp đò chở quá số người quy định và du khách không mặc áo phao. Cùng với đó, dịch vụ hàng quán xung quanh cũng được quản lý chặt chẽ. Các hàng quán, điểm dịch vụ trong lễ hội đều được sắp xếp, bố trí theo trật tự và có sơ đồ cụ thể, không để tình trạng hàng quán, điểm dịch vụ bày bán lộn xộn.
Được biết, TP Hạ Long có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử phong phú và độc đáo với 95 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, 11 lễ hội truyền thống. Trên địa bàn thành phố hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống nổi bật, điển hình như văn hóa của cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long với truyền thống sinh sống trên Vịnh Hạ Long. Khu vực vùng núi phía Bắc và phía Tây thành phố là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó nổi bật có đồng bào người Dao tại xã Bằng Cả, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, người Sán Dìu tại xã Sơn Dương. Vì vậy, trong 7 ngày Tết năm 2023, TP Hạ Long đón gần 81.600 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Trong đó, các cơ sở thờ tự, điểm du lịch tâm linh như chùa Long Tiên đón gần 1.000 lượt, đền Đức Ông đón 2.200 lượt, chùa Lôi Âm đón gần 10.000 lượt khách...
Đảm bảo an toàn cho người dân, du khách
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích, lễ hội, TP Hạ Long đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Đồng thời, bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn sông nước, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, thu gom, xử lý chất thải, nước thải không để tồn đọng, bảo vệ cảnh quan.
Theo Trung tá Võ Quang Hòa, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an TP Hạ Long, là đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long không chỉ là điểm đến của đông đảo nhân dân, du khách hành hương tới các điểm du lịch tâm linh đầu xuân mà còn là lựa chọn của nhiều tour tuyến du lịch phong cảnh. Nắm chắc tình hình, Công an thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, tăng cường tuần tra, kiểm soát, điều tiết hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa, từ sớm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, thường trực tại các điểm du lịch phong cảnh, du lịch tâm linh sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.
Thành phố cũng chỉ đạo, hướng dẫn các ban quản lý di tích, các sư trụ trì, thủ nhang tại các di tích tăng cường kiểm tra, rà soát các di tích trên địa bàn để có các phương án đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự... Đồng thời, tuyên truyền cho người dân và du khách nâng cao ý thức thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm... Với các di tích tổ chức lễ hội cần tuân thủ Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các cơ sở tôn giáo, thờ tự cũng đã bố trí điểm đốt, hóa vàng mã đúng nơi quy định; không đặt nhiều bàn thờ, hòm công đức, không để các hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch; không cài, dắt, đặt, rải tiền một cách tùy tiện gây phản cảm trong di tích; không để tình trạng lợi dụng lễ hội, đông người để tuyên truyền nội dung phản động, kích động bạo lực, mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép; không để tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Hạ Long, phòng đã tiếp nhận nội dung đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội; thành lập tổ công tác, bố trí lịch làm việc với các xã, phường có các di tích để hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo về quản lý di tích, lễ hội. Bên cạnh đó, phòng cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố tại di tích.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự; khách thập phương đến chiêm bái tại các cơ sở thờ tự chấp hành tốt nội quy, quy định của cơ sở, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh khi đi lễ hội; người dân an tâm, vui vẻ, phấn khởi đón Tết.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()