Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:11 (GMT +7)
Tăng cường quản lý đảm bảo ATVSTP trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh
Thứ 5, 28/12/2023 | 09:04:21 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều chất vấn: Thời gian qua, công tác quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh luôn được ngành Giáo dục quan tâm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện một số ca ngộ độc liên quan đến đối tượng là trẻ em, học sinh tại huyện Vân Đồn, Bình Liêu. Điều này gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng của phụ huynh học sinh và nhân dân. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thực trạng và giải pháp trong công tác phối hợp của Ngành để tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Sở GD&ĐT trả lời như sau:
1. Thực trạng công tác phối hợp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh
Xác định được tầm quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã luôn chú trọng đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ y tế trường học, công tác đảm bảo ATTP, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Sở GD&ĐT đã ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sở GD&ĐT thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; tổ chức bữa ăn nội trú, bán trú trong nhà trường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Trong năm 2023, Sở GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho gần 300 đại biểu là cán bộ quản lý các trường học, nhân viên phụ trách công tác y tế trong trường học; Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế cấp huyện tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 1.276 đại biểu là nhân viên phụ trách công tác y tế; tập huấn cho 337 đơn vị trường học có tổ chức ăn bán trú, nội trú để nâng cao tay nghề cho nhân viên nấu ăn, hướng dẫn việc lựa chọn hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm theo quy định, yêu cầu nhân viên nấu ăn phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023, Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng ngành Y tế và các địa phương kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học tại 12/13 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Cô Tô); trong đó tập trung kiểm tra bếp ăn bán trú của các trường có tổ chức bán trú; kiểm tra công tác ATTP tại cơ sở cung cấp suất ăn vào nhà trường. Như vậy, nhờ làm tốt công tác đảm bảo ATTP, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua ngành Giáo dục không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người trong trường học.
2. Tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra sự việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm do học sinh tại các trường học thuộc các địa phương Vân Đồn, Bình Liêu mua kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ từ hàng quán xung quanh trường học.
Theo tổng hợp báo cáo của các cơ sở giáo dục thì nguyên nhân chính xảy ra các vụ việc như sau: (1) Công tác tuyên truyền của một số trường học chưa sát với thực tiễn, chưa đảm bảo hiệu quả; (2) Các trường hợp xảy ra, chủ yếu rơi vào học sinh đầu cấp THCS, kiến thức và nhận thức của các em chưa đầy đủ để nhận diện mối nguy hiểm của thực phẩm độc hại, đặc biệt với các loại hàng hóa được bày bán công khai, có màu sắc bắt mắt, hấp dẫn, giá rẻ; (3) Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa làm tốt việc kiểm soát hàng hóa, việc kiểm tra công tác ATTP tại địa phương, đặc biệt là với các loại hàng hóa được bán xung quanh trường học; (4) Vấn đề ATTP trong trường học, xung quanh trường học vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát, thực tế qua tìm hiểu, nắm bắt loại kẹo này cũng được bày bán tại các địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng và cũng xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm tương tự.
3. Các giải pháp trọng tâm trong công tác phối hợp đảm bảo ATTP trong trường học thời gian tới
Trước tình hình xảy ra các vụ việc gây ảnh hưởng đến đảm bảo sức khỏe của học sinh, Sở GD&ĐT đã chủ động báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo; UBND tỉnh đã ban hành văn bản 3407/UBND-VHXH ngày 30/11/2023, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện (thị xã, thành phố) thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán hàng hóa không đúng quy định, đặc biệt là các quán xung quanh trường học; Sở GD&ĐT đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn Ngành tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.
Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục đề ra một số giải pháp trong công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương để triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, cụ thể như sau:
Tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về công tác đảm bảo vệ sinh, ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; nêu cao vai trò giám sát của nhà trường và gia đình học sinh trong công tác đảm bảo ATTP bên ngoài trường học; tăng cường lồng ghép, tích hợp các nội dung giảng dạy về đảm bảo ATTP, nhận diện những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn để học sinh hiểu và phân biệt được, từ đó biết cách phòng tránh và tự bảo vệ chính mình;
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát liên ngành giữa Sở GD&ĐT, Y tế, Công thương, Công an, chính quyền các địa phương và huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác vệ sinh ATTP tại các cơ sở giáo dục, các cơ sở chế biến cung cấp suất ăn cho học sinh và bếp ăn, căng tin trong trường học;
Tiếp tục tham mưu để đảm bảo đủ nguồn nhân lực triển khai hiệu quả công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nâng cao năng lực, chất lượng nhân viên y tế chuyên trách/ kiêm nhiệm trong các trường mầm non, phổ thông (công lập và ngoài công lập).
Như vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không chỉ mình ngành Giáo dục có thể làm được, mà cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương để tăng cường kiểm tra, rà soát từ khâu đầu vào các sản phẩm hàng hóa được bán trên thị trường, đặc biệt tại các cửa hàng, quán ăn gần trường học; kiểm tra các cơ sở sản xuất, các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm cho trường học để đảm bảo không cung cấp, buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về ATTP nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()