Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:23 (GMT +7)
Tăng cường quản lý loại hình du lịch homestay
Thứ 3, 23/01/2024 | 09:51:34 [GMT +7] A A
Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch muốn tận hưởng cuộc sống trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, loại hình du lịch homestay (còn gọi là du lịch bụi, du lịch trải nghiệm, du lịch thực tế…) ngày càng nở rộ.
Đặc biệt, loại hình du lịch này hấp dẫn giới trẻ do chi phí thấp, và hơn hết là có thể tự do trải nghiệm theo ý muốn. Có cầu ắt có cung, nhiều địa phương, người dân biến nhà mình, hoặc đầu tư thêm những căn nhà nhỏ cho du khách nghỉ qua đêm (homestay).
Thực tế cho thấy, đa số người làm homestay là người dân địa phương, kiến thức về quản lý dịch vụ du lịch rất thiếu và yếu. Nhiều nơi nội dung chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị tổ chức dịch vụ lữ hành. Thậm chí cả đồ ăn cũng được lên thực đơn và do một nhà hàng, khách sạn nào đó chế biến sẵn và vận chuyển đến. Nhiều chủ homestay chỉ phối hợp đón tiếp và giới thiệu văn hóa thông qua trình diễn thực tế lao động, sản xuất.
Không thể phủ nhận, việc phát triển loại hình du lịch homestay theo kiểu xã hội hóa mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhiều bên, đó là các công ty lữ hành; là du khách muốn được trải nghiệm độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, có nơi ăn nghỉ giá rẻ và thân thiện. Ngoài ra, loại hình du lịch này cũng góp phần quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa của người dân địa phương đến với du khách, cộng đồng; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghề thủ công… Quan trọng nhất, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện trên cả nước ước tính có khoảng 40 nghìn cơ sở kinh doanh homestay với hơn 500 nghìn phòng nghỉ. Những homestay này có thể tập trung trong một khu vực nhất định nhưng cũng có thể biệt lập ở những khu vực hẻo lánh, xa dân, gần nơi có cảnh đẹp nhưng thiếu an toàn, thiếu sự kiểm soát của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.
Sự phát triển nhanh của homestay đặt ra yêu cầu về quản lý đối với loại hình du lịch này từ thượng tầng đến cơ sở. Hiện nay, việc quản lý các homestay đều do các địa phương thực hiện giống kiểu quản lý đối với các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống. Nghĩa là cơ quan chức năng chỉ nắm được số lượng khách lưu trú mà không nắm được lịch trình cụ thể những địa điểm, nội dung du khách trải nghiệm thực tế. Điều này dẫn đến xảy ra một số sự việc đáng tiếc, gây mất an toàn của du khách (đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Lâm Đồng, Phú Yên, Đà Nẵng, Hà Giang…).
Cũng có một số nơi khác, nhân viên đơn vị lữ hành khi dẫn chương trình do thiếu hiểu biết đã có những phát ngôn không đúng, làm sai lệch dẫn đến du khách hiểu sai về đời sống và bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân bản địa. Thậm chí, một số homestay còn bị lợi dụng để các đối tượng xấu, một bộ phận giới trẻ tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức.
Nhiều chủ homestay lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để trốn tránh khai báo, nộp thuế. Những vấn đề nêu trên không chỉ làm ảnh hưởng đến du khách; làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách; người dân làm du lịch bị ăn chặn từ các đơn vị lữ hành, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự mà nó còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của đất nước.
Điều đó đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách, chế tài cụ thể nhằm quản lý hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh, nguồn thu ngân sách cũng như giúp bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc bản địa đối với loại hình du lịch mới này.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()