Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:45 (GMT +7)
Tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch
Thứ 2, 11/12/2017 | 14:04:39 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 70 (ngày 7/7/2017) của HĐND tỉnh và các chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian gần đây các ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch. Nhờ đó, môi trường kinh doanh du lịch có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Quảng Ninh.
Đội liên ngành 178 tỉnh kiểm tra tại Khách sạn Mường Thanh (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Ảnh: Phương Thúy |
Đặc biệt, UBND các địa phương và các ngành chức năng tiếp tục chủ động trong công tác kiểm tra, xử lý, nhất là trong lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, hình thức thanh toán, quản lý ngoại hối đối với các điểm bán hàng cho khách du lịch. Điển hình như UBND TP Hạ Long đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện công tác quản lý về môi trường kinh doanh du lịch, thực hiện các giải pháp mạnh để ngăn chặn các vi phạm. Với sự tích cực, chủ động của UBND TP Hạ Long, môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các vấn đề trên Vịnh Hạ Long. Trong năm 2017, thành phố đã tổ chức tuyên truyền hơn 335 lượt, kiểm tra 366 lượt về công tác trật tự đô thị; qua đó phát hiện vi phạm, xử phạt hành chính 737 vụ với tổng số tiền thu nộp ngân sách 2,447 tỷ đồng…
UBND TP Móng Cái đã ban hành các văn bản chỉ đạo về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch, duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng du lịch, tuyên truyền và tổ chức ký cam kết thực hiện cho gần 2.000 hộ kinh doanh tại các chợ. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức gần 500 lượt thanh, kiểm tra đột xuất đối với các hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, điểm mua sắm đạt chuẩn du lịch… Các địa phương như Đông Triều, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên… cũng tích cực thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-HĐND, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra các cơ sở dịch vụ, tiếp tục tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm các vi phạm.
Sở Du lịch phát huy vai trò quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức các chương trình kiểm tra về lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ; phối hợp với Thanh tra Bộ VH-TT&DL và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm. Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64 (ngày 1/11/2017) và tổ chức triển khai thực hiện việc khảo sát doanh thu các cơ sở dịch vụ du lịch... Sở phân công lãnh đạo và cán bộ thanh tra thường trực 24h/ngày, sẵn sàng làm nhiệm vụ giải quyết các phản ánh, kiến nghị của khách du lịch thuộc thẩm quyền. Sau khi Nghị quyết số 70/NQ-HĐND được ban hành, Sở Du lịch đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 71/KH-SDL (ngày 21/8/2017) về việc tổ chức làm việc tại các cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ ngày 10/10 đến ngày 04/11/2017 tại 7 địa phương. Sau rà soát, đơn vị ban hành 7 văn bản thông báo kết quả rà soát tới các cơ sở, yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục có chỉ đạo và thu hồi các quyết định công nhận cơ sở đạt chuẩn, gồm: Điểm mua sắm Vịnh Ngọc, Điểm mua sắm Trung tâm thương mại O.E.M, Nhà hàng Đặng Hiền, Nhà hàng Hạ Long 1 (các cơ sở này dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh và cơ sở vật chất không đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch)…
Tàu du lịch đưa khách tham quan hang Thiên Cảnh Sơn, Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Hà Chi |
Công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch có sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của Cục Thuế, Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở GTVT… Với sự vào cuộc của cơ quan thuế, tình trạng thanh toán không dùng tiền mặt bước đầu đã được kiểm soát, doanh thu bán lẻ được minh bạch, được khai thuế, nộp thuế. Công an tỉnh chủ động và chỉ đạo các lực lượng tập trung vào một số nội dung liên quan đến công tác lữ hành, điểm mua sắm. Theo đó, đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm của các cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch, công ty lữ hành, nhất là các vi phạm về sử dụng người nước ngoài lao động trái phép; các vấn đề về kinh tế, quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, mua bán pháp nhân của công ty lữ hành, cho người nước ngoài “núp bóng” trong kinh doanh lữ hành.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, địa phương, công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch đã được nâng cao, hoạt động kinh doanh du lịch được chấn chỉnh, đi vào nền nếp. Tuy nhiên, Sở Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận là tính bền vững của kết quả chưa cao, vẫn còn có những vi phạm liên quan đến hoạt động lữ hành, điểm bán hàng và hoạt động kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long... Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, Sở đề nghị UBND các địa phương, ngành chức năng tiếp tục chủ động trong công tác kiểm tra xử lý, đặc biệt trong lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, hình thức thanh toán, quản lý ngoại hối đối với các điểm bán hàng cho khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục ra quân tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhất là các vi phạm về chất lượng phục vụ, việc thực hiện các chương trình du lịch đã chào bán cho khách, công tác quản lý khách...
Hà Chi
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()