Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 29/12/2024 10:49 (GMT +7)
Tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công
Thứ 2, 11/01/2021 | 07:50:37 [GMT +7] A A
Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu thụ, sử dụng rượu trong nhân dân có xu hướng tăng mạnh. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu thủ công lúc này là thực sự cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên.
Trung bình mỗi năm, hộ gia đình bà Bùi Thị Tình, thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, nấu được khoảng 7.000 lít rượu trắng thủ công. |
Theo thống kê của các địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.402 cơ sở sản xuất rượu thủ công, giảm 34 cơ sở so với cuối năm 2019. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này sản xuất được khoảng 2,5 triệu lít rượu.
Một số địa phương có số cơ sở sản xuất rượu thủ công nhiều như: Đông Triều: 312 cơ sở; Tiên Yên: 151 cơ sở; Quảng Yên: 150 cơ sở; Ba Chẽ: 102 cơ sở; Đầm Hà: 98 cơ sở; Hải Hà: 95 cơ sở…
Để quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu thủ công này, thực hiện Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ Công Thương và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước, siết chặt quản lý hoạt động sản xuất rượu thủ công. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng liên quan rà soát, thống kê, kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn đẩy mạnh công tác cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công; xử lý các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công.
Qua thực hiện rà soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, trong tổng số 1.402 cơ sở sản xuất rượu thủ công toàn tỉnh thì số cơ sở sản xuất rượu thủ công được cấp giấy phép sản xuất theo quy định chỉ có 188 cơ sở, chiếm 13,4% tổng số cơ sở, tăng 54 cơ sở so với cuối năm 2019; số còn lại sản xuất rượu thủ công không có giấy phép, không nhằm mục đích kinh doanh. Từ đó cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ ngộ độc rượu trên địa bàn từ các cơ sở không có giấy phép sản xuất là rất lớn.
Bà Bùi Thị Tình, thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, trao đổi về quy trình lên men nấu rượu thủ công của gia đình. |
Riêng trong năm 2020, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm tra, xử lý 199 vụ sản xuất rượu thủ công, xử phạt trên 133 triệu đồng và tiêu hủy hơn 4.500 lít rượu trắng, rượu ngâm không có nguồn gốc xuất xứ.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại địa phương nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu cán bộ phụ trách. Trong khi đó, phần lớn các hộ gia đình tự nấu rượu trong diện tích nhà ở của gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư; việc sản xuất của nhiều hộ không diễn ra thường xuyên nên công tác vận động, hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Tại huyện Vân Đồn, địa phương có 62 cơ sở sản xuất rượu thủ công thì cả 62 cơ sở không có giấy phép sản xuất rượu thủ công. Tuy nhiên, 100% các cơ sở này đều thực hiện kê khai, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Bà Bùi Thị Tình, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, chia sẻ: Trung bình mỗi năm gia đình cũng sản xuất được khoảng 7.000 lít rượu trắng để cung cấp cho các nhà hàng và người dân có nhu cầu. Mặc dù không có giấy phép sản xuất, song gia đình tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. Nhiều khi gia đình cũng muốn đăng ký cấp giấy phép sản xuất, tuy nhiên việc kiểm nghiệm mẫu rượu để hoàn thiện thủ tục hồ sơ cấp phép phải thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ở xa so với điều kiện đi lại của gia đình nên chưa thực hiện được.
Sản xuất rượu thủ công của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhung, thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. |
Hiện nay đang chuẩn bị đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu thụ, sử dụng rượu, bia, trong đó có rượu thủ công trong nhân dân là rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc rượu, nhất là tại những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát. Trước tình hình này, Sở Công Thương đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trước mắt, đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Về lâu dài sẽ thực hiện giải pháp chuyển đổi ngành nghề phù hợp theo lộ trình để hộ dân từng bước hạn chế, tiến tới không sản xuất rượu thủ công; thành lập các làng nghề sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để quản lý tập trung.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()