Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 17:24 (GMT +7)
Hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển: Tăng cường tiếp cận đa dạng thực phẩm, giàu dinh dưỡng
Thứ 7, 19/10/2024 | 10:36:01 [GMT +7] A A
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm nay, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23/10/2024 với chủ đề “Tăng cường tiếp cận đa dạng thực phẩm, giàu dinh dưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho tất cả mọi người”. Tuần lễ nhằm tăng cường công tác truyền thông, nâng cao kiến thức cần thiết cho người dân về dinh dưỡng cũng như vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe và hạnh phúc, qua đó khuyến khích mọi người thực hành các thói quen sống năng động lành mạnh.
Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực - thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi), thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì, kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả…) và thiếu hoạt động thể lực. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Tại Quảng Ninh, trong những năm qua, các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho người dân luôn được quan tâm triển khai lồng ghép với các chương trình, như: Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi”, đề án “Dân số và phát triển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh”, dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”, đề án “Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi, tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh”…
Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm truyền thông giáo dục kiến thức, thực hành dinh dưỡng với nhiều hình thức phong phú và nội dung đa dạng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu phổ biến kiến thức về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi; dinh dưỡng hộ gia đình; dinh dưỡng trong các trường học; phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng; chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng…
Xác định việc bổ sung vitamin A rất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em, từ nhiều năm nay, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động bổ sung vitamin A thường xuyên theo quy định tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, vào 2 đợt tháng 6 và tháng 12 hằng năm. Đợt 1 năm 2024, tỉnh đã triển khai bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A cho trên 58 nghìn trẻ, đạt 99,25%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, các hoạt động dinh dưỡng thiết yếu tại xã, phường, thị trấn trong tỉnh được triển khai thường xuyên. Các trạm y tế thường xuyên theo dõi cân nặng cho toàn bộ trẻ sơ sinh, 3 tháng/lần đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi không suy dinh dưỡng. Với trẻ có suy dinh dưỡng được theo dõi tăng trưởng và tư vấn dinh dưỡng hằng tháng.
56 trạm y tế ở các xã vùng DTTS đều tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người và 3 tháng/lần/trẻ với trẻ em dưới 2 tuổi; triển khai tư vấn dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi… Các biện pháp can thiệp đối với trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi suy dinh dưỡng cấp tính nặng bằng cách hỗ trợ điều trị được triển khai; hỗ trợ, hướng dẫn dinh dưỡng thường xuyên… Các trạm y tế cũng thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày đầu sau sinh tại nhà, nhằm theo dõi sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 6 tuần đầu tại nhà.
Ngành y tế cũng triển khai phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại trạm y tế và hướng dẫn phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và chăm sóc trẻ dưới 60 tháng tuổi sử dụng phần mềm. Từ năm 2020 đến nay, CDC Quảng Ninh sản xuất 400 bộ công cụ đánh giá nhanh tình trạng dinh dưỡng cấp phát cho các huyện, thị xã, thành phố nhằm hỗ trợ sàng lọc nhanh trẻ dưới 5 tuổi mắc suy dinh dưỡng cấp tính trong cộng đồng để kịp thời can thiệp.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể. Mọi gia đình hãy thực hiện đa dạng hoá bữa ăn hàng ngày, phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A 2 lần/năm. Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Tỉnh đang triển khai đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, địa bàn triển khai đề án là tại 64 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn. Thông qua các hoạt động của đề án góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, thay đổi hành vi của phụ nữ và nhân dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng DTTS, miền núi của tỉnh. Đề án cũng phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% vào năm 2025 và xuống dưới 17% đối với thể thấp còi.
Với nhiều hoạt động được thực hiện đồng bộ đã có tác động mạnh mẽ giúp tỉnh thực hiện tốt chương trình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em được giảm nhiều trong những năm qua. Hiện, trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 9,8%; suy dinh dưỡng thể thấp còi 18,1%; suy dinh dưỡng gày còm 6,3%.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()