Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:34 (GMT +7)
Tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 2, 31/05/2021 | 06:21:30 [GMT +7] A A
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác và mức thu nhập cho người nông dân, đã được Quảng Ninh quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Cụ thể bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới; phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương...
Việc khuyến khích, hỗ trợ để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo nhiều năm qua. Nổi bật như Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại đây, tỉnh đặt ra mục tiêu là phát triển thủy sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và bền vững.
Từ Nghị quyết 13, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ lãi suất của tỉnh dành cho thủy sản đã được ban hành. Như: Xây dựng các mô hình nuôi trồng, chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ mới, đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đóng mới, cải tạo các phương tiện khai thác thủy sản đúng quy chuẩn...
Đặc biệt là nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm, dành nguồn lực để thực hiện các dự án trong lĩnh vực sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung huyện Vân Đồn; 2 dự án về xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên biển và khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thuỷ sản tại huyện Đầm Hà...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; trong đó có 4 cơ sở chủ yếu sản xuất ương dưỡng giống nước ngọt, 14 cơ sở chủ yếu sản xuất, ương dưỡng giống nước mặn, lợ. Do đều đã làm chủ được công nghệ, nên đáp ứng rất tốt nhu cầu giống thủy sản của thị trường trong tỉnh, cụ thể là khoảng trên 5 tỷ con các loại mỗi năm (chủ yếu là con giống nhuyễn thể, tôm...).
Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, cũng đã nêu rõ mục tiêu trong từng ngành, lĩnh vực, bao gồm phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể là mục tiêu số 1 (Nghị quyết có 7 mục tiêu) là xây dựng và hoàn thành, phát triển các khu nông nghiệp, trung tâm thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương có điều kiện phù hợp.
Theo Kế hoạch số 03/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên các loại cây trồng. Cụ thể: Có 60-65% diện tích trồng lúa ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo cấy và đạt trên 90% diện tích trong vùng sản xuất tập trung; 70% diện tích cây rau màu ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo trồng và đạt 100% trong vùng sản xuất tập trung. Phấn đấu đến năm 2025 có 80-90% số xã/phường sản xuất nông nghiệp có đội ngũ nông dân được huấn luyện hiểu biết và ứng dụng hiệu quả về IPM; có 50-60% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM trên các cây trồng...
|
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng được nêu rõ, bao gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền đối với KH&CN; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN; phát triển nguồn nhân lực KH&CN; khuyến khích hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ...
Đến nay, ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp đã giúp Quảng Ninh hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô, chất lượng và đảm bảo an toàn. Như các vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng vải thiều, vải chín sớm Phương Nam của TP Uông Bí, trồng na tại TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng bảo tồn gen giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái... Từ đó làm cơ sở xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tạo nguyên liệu cho việc sơ chế, chế biến, đưa nông sản đến với người tiêu dùng thông qua Chương trình OCOP.
Với định hướng về đầu tư đồng bộ KH&CN, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các đối tượng chủ lực tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là đã thành công trong thu hút các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực về tài chính, có công nghệ đầu tư tại địa bàn tỉnh. Đây chính là hạt nhân để hình thành nên các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có đầy đủ điều kiện về ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, giúp tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hữu cơ, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()