Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:43 (GMT +7)
Tăng thu ngân sách từ ngành than và điện
Thứ 7, 25/06/2022 | 07:25:24 [GMT +7] A A
Năm 2022, trong thu kinh tế quốc doanh, số thu từ ngành than và điện vẫn là chủ yếu với dự kiến gần 18.000 tỷ đồng. Để đạt được con số này, trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị sẽ phải tiếp tục tăng tốc sản xuất, đảm bảo vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất 5.640MW. Hằng năm, các nhà máy này đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia từ 35-38 tỷ kWh điện, đóng góp cho NSNN gần 2.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước.
Năm 2022, Bộ Công Thương giao kế hoạch cho 7 nhà máy phát lên hệ thống lưới điện quốc gia gần 37,4 tỷ kWh điện. Để đảm bảo đóng góp trên 2.000 tỷ đồng vào thu ngân sách, tỉnh đã giao kế hoạch trên 38 tỷ kWh điện. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà máy điện, đến hết năm 2022, các nhà máy chỉ phát lên hệ thống lưới điện quốc gia đạt gần 36,1 tỷ kWh điện. Điều này có nghĩa là các nhà máy sẽ hụt hơn 1 tỷ kWh điện so với chỉ tiêu của Bộ Công Thương giao và gần 2 tỷ kWh điện so với chỉ tiêu tỉnh giao. Theo tính toán của Cục Thuế tỉnh, nếu các nhà máy chỉ phát đạt gần 36,1 tỷ kWh điện thì Quảng Ninh sẽ bị hụt thu khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2022.
Các nhà máy điện lý giải, việc phát điện không đạt so với chỉ tiêu Bộ Công Thương và tỉnh giao chủ yếu do những nguyên nhân khách quan, như: Bộ Công Thương đang giảm huy động nhiệt điện để ưu tiên phát thủy điện; nhiều nhà máy phải dừng sản xuất để đại tu các tổ máy theo kế hoạch; việc nhập khẩu máy móc thiết bị còn bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình thế giới… Điều này đã dẫn đến một số nhà máy không đạt được kế hoạch đề ra ngay trong 6 tháng đầu năm.
Còn theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân chính là do các nhà máy bị dừng sự cố quá nhiều, dẫn đến việc sụt giảm về sản lượng phát điện so với kế hoạch đề ra. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thống kê trong 6 tháng đầu năm, đã có tới 29 sự cố với tổng thời gian lên tới 115 ngày các nhà máy phải dừng hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, các nhà máy phải giảm thiểu các sự cố và giảm suất hao nhiệt, chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu than cho sản xuất, không bị thiếu hụt. Đồng thời cần tăng cường công tác quản trị, triển khai thực hiện sớm công tác đầu tư xây dựng, tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để đạt hiệu quả cao.
Đối với ngành Than, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, chế biến than, quản trị tiết kiệm chi phí. Đặc biệt cả hai đơn vị đều đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ cho các khách hàng theo hợp đồng đã ký. Theo đó, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, TKV sản xuất than nguyên khai đạt khoảng 22,3 triệu tấn (đạt 57% kế hoạch), than nhập khẩu đạt 2,35 triệu tấn (đạt 50% so với kế hoạch), than tiêu thụ đạt gần 25 triệu tấn (đạt 60% kế hoạch). Đưa doanh thu toàn Tập đoàn đạt khoảng 78.500 tỷ đồng (đạt 60% kế hoạch) và Tập đoàn đã nộp ngân sách tại Quảng Ninh 8.150 tỷ đồng (đạt 57% so với kế hoạch).
Đối với Tổng Công ty Đông Bắc, sản xuất than nguyên khai đạt khoảng 3,8 triệu tấn (đạt 57% so với kế hoạch), than tiêu thụ đạt gần 4,9 triệu tấn (đạt 57% so với kế hoạch), doanh thu đạt trên 9.500 tỷ đồng (đạt 60% kế hoạch). Hiện Tổng Công ty Đông Bắc đã nộp ngân sách tại Quảng Ninh gần 1.100 tỷ đồng (đạt 54% kế hoạch).
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Năm 2022, để đạt được số thu theo dự toán của tỉnh là gần 15.000 tỷ đồng, TKV đã đặt mục tiêu than sạch sản xuất phải đạt 40-41 triệu tấn (tăng từ 1,2-2,2 triệu tấn), than tiêu thụ vượt sản lượng kế hoạch là 43 triệu tấn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị thì chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết các thủ tục cấp, gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác; xem xét quy hoạch khai thác đổ thải… Trong đó, khó khăn lớn nhất là các thủ tục cấp, gia hạn giấy phép khai thác, vì đã có những mỏ than phải mất tới 9 năm đi xin giấy phép.
Trước những khó khăn của các đơn vị sản xuất than, điện, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Hằng năm, ngành Than và Điện đều đóng góp rất lớn vào ngân sách của địa phương, giữ vai trò trụ cột của ngành công nghiệp đối với sự ổn định, phát triển KT-XH của tỉnh. Quan điểm của tỉnh là luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đạt các chỉ tiêu cao nhất của tỉnh giao. Do đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương cho phép các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh được phát hết công suất lên lưới. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phải vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các mỏ than về thủ tục đầu tư, thuê đất, cấp phép, nhập khẩu máy móc thiết bị… Tinh thần là cả chính quyền và doanh nghiệp phải luôn nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất để dứt khoát hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh đã đặt ra trong năm 2022.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()