Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 10:22 (GMT +7)
Tăng thuế để giảm người hút thuốc lá
Thứ 7, 24/08/2024 | 14:20:00 [GMT +7] A A
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần chỉ 5% và khoảng cách mỗi lần tăng thuế dài.
Gánh nặng bệnh tật và kinh tế do thuốc lá gây ra
40.000 là số người tử vong ước tính mỗi năm tại Việt Nam vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này thậm chí còn lớn hơn số người tử vong vì HIV/AIDS hay số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Bệnh tật do thuốc lá còn gây ra đang là gánh nặng cho hàng triệu gia đình, gây áp lực với hệ thống y tế và với sự phát triển kinh tế đất nước.
Bạn trẻ này mới gần 30 tuổi nhưng đã có thâm niên hút thuốc lá hơn 10 năm. Mặc dù biết những tác hại của thuốc lá và ngay bản thân cũng gặp các vấn đề sức khỏe nhưng anh không thể bỏ thuốc.
Đứng đầu trong nhóm các bệnh liên quan đến thuốc lá là các bệnh về tim mạch. Nhóm các bệnh về tim mạch cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhất. Hiểu một cách đơn giản, khi hệ tim mạch bị tổn thương, tất cả các cơ quan khác trên cơ thể sẽ không nhận được đủ lượng máu cần thiết, từ đó không thể tiếp tục duy trì sự sống. 1/4 số ca bệnh thiếu máu là do người bệnh hút thuốc.
GS, TS Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: "Tất cả các yếu tố đó dễ hình thành nên các tim mạch xơ vữa, nghẽn mạch, gây thiếu máu hoặc gây hoại tử…"
Nhóm bệnh thứ hai liên quan đến thuốc lá là các bệnh ung thư. Có 8 loại ung thư xuất phát từ việc hút thuốc lá, như ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư thanh quản. Trong đó, 90% số người mắc ung thư phổi có hút thuốc.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hạnh - Trưởng khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: "Hút thuốc lá chủ động do người bệnh hút hoặc hút thuốc lá thụ động do người sinh sống cùng với người hút thuốc lá thường xuyên tiếp xúc gần và hít phải những khói thuốc đó cũng dẫn đến nguy cơ cao để hình thành ung thư phổi. Người hút thuốc lá nhiều năm sẽ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 30 lần so với người không hút thuốc lá".
Sử dụng thuốc lá còn gây ta những thiệt hại lớn về kinh tế. Theo các nghiên cứu của Hội Kinh tế Việt Nam năm 2022, chi phí kinh tế hàng năm do việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP. Con số này lớn gấp 5 lần so với nguồn thu thuế từ thuốc lá.
TS. Sarah Bales - Chuyên gia Kinh tế Y tế nhận định: "Ở Việt Nam năm 2022, ước tính tổng chi phí do Bảo hiểm y tế mà người bệnh trả từ tiền thuế là 16.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng chi từ Bảo hiểm Y tế của Bảo hiểm xã hội. Chi phí thứ hai là chi phí gián tiếp do bệnh tật từ thuốc lá, khoản này ước tính thu nhập không kiếm được vì mất thời gian nghỉ ốm, nghỉ khám chữa bệnh, hoặc chăm sóc người ốm, ước tính là 6.000 tỷ đồng. Chi phí thứ ba là chi phí gián tiếp do tử vong sớm là 86.000 tỷ đồng".
Dễ tiếp cận thuốc lá ở Việt Nam
Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Theo chiến lược Quốc gia đến năm 2020, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cần giảm xuống 39% nhưng kết quả cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn là hơn 41%. Và điều đáng lo ngại hơn là mức tiêu thụ thuốc lá lại đang bắt đầu tăng trở lại.
Thống kê mới nhất: Giá trung bình cho một bao thuốc 20 điếu phổ biến ở Việt Nam là 15.000 đồng. Và đó là lí do khiến nhiều người dễ dàng hút thuốc dù họ có mức thu nhập như thế nào.
Thuốc lá là một sản phẩm hạn chế tiêu dùng, có quy định cụ thể về việc trưng bày và bán sản phẩm. Ví dụ như không được bán cho người dưới 18 tuổi, không được trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của nhãn hiệu thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá, không được bán trong phạm vi 100m phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở y tế… Nhưng những sai phạm này có thể dễ dàng thấy ở khắp mọi nơi.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Giá bán lẻ thuốc lá quá rẻ và tính sẵn có trên thị trường. Biện pháp kiểm soát các điểm bán thuốc lá cũng thiếu chặt chẽ dẫn đến người dân rất dễ dàng mua thuốc ở khắp nơi với chi phí thấp. Ví dụ như đã có quy định cấm bán lẻ ở ngoài cổng trường trong phạm vi 100m nhưng các em học sinh vẫn có thể dễ dàng mua được các sản phẩm này".
Những quầy thuốc lá lậu không khó bắt gặp ở trên đường. Những loại thuốc độc, lạ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ luôn trong tình trạng cháy hàng. Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý, hàng triệu bao thuốc lá bị tịch thu và mức xử phạt cho hành vi này không hề nhẹ nhưng với lợi nhuận lên đến 400-500% thì tình trạng buôn lậu mặt hàng này khó có thể chấm dứt.
Tăng thuế sẽ giảm số người hút thuốc
Giá thuốc lá của Việt Nam phổ biến chỉ từ 7.000 đồng đến dưới 20.000 đồng. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 15 quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới. Một trong những lý do khiến giá thuốc lá rẻ như vậy là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm chưa đến 39% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Asean.
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần chỉ 5% và khoảng cách mỗi lần tăng thuế dài. Đại diện Bộ Y tế cho rằng mức tăng này là chưa phù hợp.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu ý kiến: "Các lần tăng thuế còn rất ít và giữ nguyên từ đó cho đến nay. Trong khi lạm phát có khoảng 4%/năm, thu nhập đầu người tăng khoảng 5%/năm trong khi người dân của chúng ta ngày càng thu nhập cao. Như vậy nó cũng không cân xứng".
Vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến đóng góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Hai phương án được đề xuất theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên, đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp, đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Bà Angela Pratt – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: "Dự thảo Luật được đề xuất là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên mức thuế đề xuất thì vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, năm 2030, nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế hiện tại là 75% giá xuất xưởng, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020".
Nhiều ý kiến lo ngại, việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm gia tăng tình trạng buôn lậu, gây thất thoát cho Nhà nước. Song nhiều chuyên gia khẳng định, không có mối liên quan giữa thuế thuốc lá cao và buôn lậu thuốc lá.
Ông Đào Thế Sơn - Chuyên gia Kinh tế cho biết: "Thị phần thuốc lá lậu của Việt Nam mặc dù cao vào năm 2010 và năm 2012 khoảng 20% nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống khoảng 16% và đến năm 2017 thì đã giảm xuống dưới 14%. Tức là ngay cả trong năm chúng ta tăng thuế năm 2016 thì thuốc lá lậu của Việt Nam vẫn giảm".
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng hút thuốc. Bởi khi giá thuốc lá đắt lên, nhiều người sẽ phải cân nhắc khi bỏ tiền để mua hoặc sẽ tính đến việc bỏ thuốc.
Tác động do tăng thuế thuốc lá
Một số nước trong khu vực ASEAN hiện nay đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với thuốc lá. Điều này không chỉ góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước mà còn giúp giảm tiêu thụ thuốc lá và chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.
Tại Philippines, nhằm giảm gánh nặng về sức khỏe và kinh tế - xã hội do thuốc lá gây ra, năm 2012, nước này đã thông qua Luật Cải cách thuế, chuyển cấu trúc thuế đồng thời tăng mạnh thuế suất đều đặn qua các năm từ 2013-2017 để tiến tới còn một mức thuế chung 30 Peso (khoảng 0.5 USD)/bao thuốc vào 2017. Từ năm 2018-2023, thuế suất đối với thuốc lá tại Philippines đã tăng đều đặn mỗi năm, đạt mức 60 peso (hơn 1 USD)/bao vào năm 2023 và từ sau năm 2023 thì mức thuế sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 5% mỗi năm.
Tại Lào, từ năm 2008 đến nay, nước này đã thông qua luật, văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở trong tổ chức thực hiện kiểm soát thuốc lá. Và từ tháng 10/2023, Lào đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 50% lên 72% và đối với các sản phẩm thuốc lá khác từ 35% lên 47%. Theo Bộ Y tế Lào, mỗi năm nước này có 6.700 người tử vong do thuốc lá và chi phí điều trị y tế hàng năm cho bệnh nhân mắc bệnh do hút thuốc lá ước tính khoảng 2,3% GDP của đất nước. Tại Thái Lan, từ năm 1993 đến năm 2016, Thái Lan áp dụng hệ thống thuế đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá bán buôn và đã thực hiện 11 lần tăng thuế từ mức thuế suất 55% lên mức 90%, tương đương mức tăng từ 120% lên khoảng hơn 700% giá xuất xưởng theo cách tính thuế của Việt Nam. Đến năm 2017, Thái Lan chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với các mức thuế lần lượt là 20% và 40% giá bán lẻ đối với thuốc lá có giá 60 baht và trên 60 baht đồng thời tính thêm mỗi điếu thuốc 1,2 baht.
Thống kê cho thấy việc tăng giá thuốc đã giúp Lào, Thái Lan và Phillipines giảm cả về lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước và số người hút thuốc cũng như giúp tăng ngân sách. Các nước cũng yêu cầu các sản phẩm thuốc lá phải có hình ảnh cảnh báo sức khỏe theo quy định; cấm mọi hình thức quảng cáo thuốc lá, cấm hút thuốc tại nơi làm việc và nơi công cộng, đồng thời giáo dục người dân về tác hại của việc hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()