Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:58 (GMT +7)
Tăng tiện ích cho khách hàng từ ngân hàng số
Thứ 7, 18/06/2022 | 10:05:51 [GMT +7] A A
Thanh toán không dùng tiền mặt là bước phát triển cao hơn nữa trong thanh toán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và là xu hướng tất yếu của thế giới, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Kế hoạch “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ ngân hàng là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân. Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đang phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh, trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng chính việc giãn cách xã hội đã khiến cho người dân thay đổi thói quen thanh toán. Các hình thức thanh toán hiện đại đang dần phổ cập với người dân, như: Thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc, thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking... kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện. Vì vậy, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng tốt, các ngân hàng triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới gắn với đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Thái Mạnh Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Đến nay, 100% chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số và đây được coi là chìa khóa cho thanh toán số. Toàn tỉnh có 12/415 ATM thông minh cho phép người sử dụng có thể mở tài khoản, vay tiêu dùng, gửi tiết kiệm. Các ngân hàng cũng tích cực chuyển đổi từ “thẻ từ” sang “thẻ chip” theo lộ trình đề ra của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao tính an toàn, bảo mật và gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng. Việc mở tài khoản cũng trở nên thuận tiện hơn bằng phương thức định danh khách hàng điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo (eKYC) mà không cần đến quầy giao dịch ngân hàng.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, có gần 10.000 tài khoản mở bằng hình thức trực tuyến (eKYC). Cùng với đó, hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng được các ngân hàng đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đến nay, cả tỉnh có trên 2 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 1,4 triệu tài khoản đang hoạt động; bình quân khoảng 1,5 tài khoản đang hoạt động/người dân trưởng thành. Thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử, Mobilebanking, InternetBanking, QRcode... tăng nhanh cả về số lượng và giá trị giao dịch, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay. Thống kê trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch tăng 21% so cùng kỳ năm 2021.
Đơn cử như với Agribank Chi nhánh Quảng Ninh, với hệ thống mạng lưới trải dài từ TX Quảng Yên đến Bình Liêu, Ba Chẽ, hiện nay Agribank Chi nhánh Quảng Ninh có 35 ATM trong đó có 6 ATM có chức năng vừa gửi và rút tiền; 150 POS chấp nhận thanh toán...
Bà Trần Thị Mai Lan, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, ngay từ những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Agribank Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh loại II trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phủ sóng đặt mã thanh toán VietQR tại các hộ kinh doanh tại địa phương. Đặc biệt, tại TP Hạ Long, Agribank đã phối hợp với UBND phường Trần Hưng Đạo, Ban Quản lý chợ Hạ Long 2 để mở tài khoản và đặt mã thanh toán VietQR tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phường và trong chợ Hạ Long 2 trong 2 tháng vừa qua. Đến 31/5/2022, Agribank Quảng Ninh đã triển khai thành công 291 điểm đặt mã thanh toán VietQR của Agribank trên địa bàn TP Hạ Long. Trong tháng 6 này, Agribank Quảng Ninh cũng sẽ bắt đầu triển khai đặt mã thanh toán VietQR tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh mở tài khoản công đoàn cho khách hàng tổ chức để cấp trả kinh phí công đoàn vào tài khoản.
Đối với hoạt động thanh toán dịch vụ công, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã thường xuyên có những chỉ đạo quyết liệt đối với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công thời gian qua đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cải thiện đáng kể cả về quy mô, chất lượng thanh toán.
Hiện 100% khoản thu nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Cục Hải quan đều thực hiện qua các ngân hàng thương mại hoặc qua hệ thống nộp thuế tự động; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử tại cơ quan thuế đạt 99,66% so với doanh nghiệp đang hoạt động; 100% Kho bạc Nhà nước lắp POS phục vụ việc thu ngân sách nhà nước; 100% doanh nghiệp điện, nước trong tỉnh triển khai thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng; 100% các trường đại học thực hiện thu học phí qua ngân hàng; 100% cơ sở y tế, bệnh viện, trường học đều được kết nối liên thông thanh toán giữa các ngân hàng; 98,3% đơn vị hưởng lương từ ngân sách, doanh nghiệp đã thực hiện chi trả lương qua tài khoản cho người lao động... Tỷ lệ số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt đạt 38%.
Những kết quả đạt được, cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()