Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:19 (GMT +7)
Tạo an tâm trong dân từ đảm bảo an sinh xã hội
Thứ 3, 11/10/2022 | 13:14:08 [GMT +7] A A
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều năm qua, công tác an sinh xã hội trên địa bàn cũng được tỉnh quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các KKT, KCN trên địa bàn và việc triển khai thực hiện đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các KCN, KKT, lượng lao động từ các tỉnh, thành khác về Quảng Ninh làm việc ngày càng đông. Để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động, Quảng Ninh đã triển khai xây dựng đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than và KCN. Tháng 3/2022, đã khởi công dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai có quy mô 5 tòa nhà 6 tầng với 1.000 căn hộ.
Cùng với đó, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế... từ đó từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Tổng chi cho an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến hết năm 2020 là 8.981 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong 15 đề án được xác định là nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, năm 2022 tỉnh phân bổ 400 tỷ đồng thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để xây dựng mới 15 công trình phục vụ đời sống nhân dân...
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm; hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2)... Tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trước 2 năm theo chỉ đạo của Chính phủ và hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2).
Đồng thời, tỉnh tích cực đẩy mạnh chương trình việc làm, cho vay vốn tạo việc làm, nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm... Năm 2021, Quảng Ninh giải quyết việc làm cho khoảng 14.000 người; 6 tháng đầu năm 2022, tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 6.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn năm 2021 chỉ còn 2,86%. Bên cạnh đó, tỉnh còn làm tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đã có 275.445 suất quà với tổng số tiền 135,5 tỷ đồng được trao, tặng cho các đối tượng. Các chính sách với người có công, bảo trợ xã hội đều được thực hiện đầy đủ.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn toàn tỉnh được cải thiện. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98,%; 100% thôn, khu, khe, bản trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Ý chí vươn lên thoát nghèo của nhân dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên; nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm 15.340 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 0,23%. Năm 2021, theo chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh còn 1.526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân, trong khi bình quân cả nước, tỷ lệ này là 2,23%.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()