Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:37 (GMT +7)
Chung tay bảo vệ môi trường
Thứ 4, 02/08/2023 | 13:46:22 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030" đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng bước đi vào cuộc sống, mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Những năm gần đây, Quảng Ninh ghi nhiều dấu ấn đặc biệt, tạo hình ảnh một địa phương năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới, hiệu quả theo hướng xanh, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đạt được những thành công, trong quá trình phát triển, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đến môi trường.
Ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU nói riêng, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường tiếp tục là giải pháp quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu.
Ở nhiều địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiệm vụ gắn với vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia bảo vệ môi trường. Nhiều hoạt động thiết thực, nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu được tổ chức, nhân rộng. MTTQ các cấp xây dựng và thực hiện 10 mô hình về bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp - an toàn, tuyến đường kiểu mẫu, phân loại rác thải, áp dụng CNTT mới thông minh, xây dựng đô thị văn minh, hiến đất, chỉnh trang đô thị, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Hội LHPN tỉnh xây dựng được 1.769 mô hình phụ nữ với bảo vệ môi trường, thu hút gần 102.000 hội viên tham gia, như: Mô hình “Biến rác thành tiền”, “Ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh”, “Phân loại rác tại gia đình”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Đường hoa, cây xanh phụ nữ”...; phát động các phong trào thi đua: “Phụ nữ Quảng Ninh chung tay bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ Quảng Ninh xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, “Chi hội sống xanh”...
Hội Nông dân tỉnh xây dựng được 640 mô hình nông dân gắn với bảo vệ môi trường, tiêu biểu như: “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn”; “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; "Cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”...
Hội Cựu chiến binh tỉnh phát động được 9 loại mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; “Thắp sáng đường quê”; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; tuyến đường “sáng - xanh - sạch đẹp - văn minh - an toàn”.
Thông qua triển khai các mô hình, các cấp hội phát mới 45.470 thùng rác, 2,5 tấn túi nilon thân thiện môi trường để phân loại rác tại nguồn; tạo mới 3.416 bể ủ biogas, sản xuất được 2.320 tấn phân vi sinh từ việc ủ rác thải sinh hoạt. Tư duy bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái. Công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.
Trong quá trình triển khai và đưa Nghị quyết số 10-NQ/TU vào cuộc sống, cùng với các cấp chính quyền cơ sở và người dân, doanh nghiệp cũng góp vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả của Nghị quyết khi đi vào thực tiễn, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Quảng Ninh là địa phương có số lượng lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, các đơn vị sản xuất than. Thực hiện việc bảo vệ môi trường gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm sự ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, để giám sát quá trình xả thải ra môi trường đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước lắp đặt 167 trạm quan trắc môi trường tự động để để giám sát môi trường xung quanh.
Ông Vũ Văn Tặng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Hạ Long, chia sẻ: Việc sớm lắp đặt hệ thống quan trắc tự động có vai trò, ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo cơ sở để đơn vị báo cáo các dữ liệu, thông số kỹ thuật kịp thời, chính xác cho ngành chức năng, mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực giám sát các sự cố về môi trường trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Các dữ liệu, thông số phản ánh chất lượng môi trường tại các nguồn thải lớn như nhà máy xi măng, nhiệt điện, khu vực sản xuất than, khu kinh tế, cụm công nghiệp... được cập nhật liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT và trực tiếp trên thiết bị thông minh cầm tay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố để theo dõi, giám sát và có những chỉ đạo kịp thời.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU đã thực sự phát huy hiệu quả khi người dân, doanh nghiệp cùng chung tay với Nhà nước tạo thành “lá chắn” bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Thu Uyên
Liên kết website
Ý kiến ()