Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:24 (GMT +7)
Tạo đà tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
Thứ 4, 04/08/2021 | 06:35:13 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt tối thiểu 11,78% (quý III là 10,6%, quý IV là 12,4%); thu NSNN không thấp hơn 31.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 55.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp và khó dự đoán như hiện nay, các chỉ tiêu này là thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi tỉnh phải đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, toàn diện, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển KT-XH.
Chống dịch vẫn đặt lên hàng đầu
Theo phân tích của các ngành chức năng, từ nay đến cuối năm, dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu sớm nhận diện và tận dụng tốt các dư địa, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh tăng tốc phát triển kinh tế. Trong đó, điều kiện quan trọng đầu tiên là phải tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn với những biện pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, để đảm bảo địa bàn an toàn, phục vụ cho phát triển kinh tế.
Xác định rõ điều đó, trong 7 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh thứ 4, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “từ xa, từ sớm, từ cơ sở” và chiến lược “5K + Vắc-xin + Truyền thông + Công nghệ thông tin”. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm bố trí, huy động nguồn lực về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị đảm bảo hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế…
Tại cuộc họp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch gần đây nhất của tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhấn mạnh: Tại Quảng Ninh mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng theo nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất cao. Để thực hiện mục tiêu tiếp tục chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, thực hiện thành công mục tiêu kép năm 2021, Quảng Ninh đã kích hoạt cao nhất cơ chế phòng chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tập trung ngăn chặn các nguồn lây vào địa bàn tỉnh từ các hướng; từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là chính quyền cấp xã phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới đã có nhiều thay đổi. Cùng với đó, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng an toàn, hiệu quả, phấn đấu tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.
Đến thời điểm này, căn cứ vào dự kiến số vắc-xin được phân bổ, tiếp nhận đến cuối năm 2021 theo văn bản của Bộ Y tế, Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho từng tháng và cả năm, để đảm bảo theo mục tiêu đề ra, không để lãng phí và phấn đấu hết năm 2021, toàn tỉnh đạt miễn dịch toàn dân với tỷ lệ dân cư đủ điều kiện tiêm chủng đạt trên 90%. Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Với trên 300.000 liều vắc-xin tỉnh đã được Bộ Y tế cấp phát, ngành Y tế sẽ phấn đấu tiêm đủ diện rộng mũi 1 và ưu tiên cho những người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, di chuyển nhiều và có nguy cơ cao theo quy định của Chính phủ.
Cùng với các giải pháp trên, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Ninh đang có nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập, tỉnh cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết; tạm dừng đón khách du lịch ngoại tỉnh; thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày tại khu cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi y tế tại nhà 7 ngày đối với người về từ những khu vực có dịch đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các đơn vị tích cực triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ ngẫu nhiên hằng tuần bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc RT-PCR (gộp mẫu) cho 20% lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN và toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ có tần suất tiếp xúc với nhiều người...
Giữ vững sức sản xuất của các trụ cột
Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2021 trên 10%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 51.000 tỷ đồng, song song với tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Quảng Ninh xác định khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục trở thành trụ cột tăng trưởng quan trọng, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng những công trình hạ tầng động lực được kỳ vọng tạo ra những đột phá phát triển mới.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cũng nhấn mạnh, dù được xem là điểm sáng của kinh tế, song ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu những tác động do dịch Covid-19 gây ra, như việc thiếu nguồn cung từ thị trường nước ngoài hay thiếu nguồn lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển còn nhiều nút thắt nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ khó tạo được đột phá.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đã chỉ đạo các ban, ngành chủ động, linh hoạt trong tìm giải pháp khơi thông những điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để đảm bảo cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, xây dựng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Trong kịch bản tăng trưởng năm 2021, tỉnh đã đặt mục tiêu khu vực công nghiệp - xây dựng phải đảm bảo sản xuất tăng cao, với mức tăng khoảng 10,3%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước tăng 3,4% so với năm 2020; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 21,6%, với các sản phẩm mới có tác động rất trọng yếu trong thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh năm 2021 là màn hình ti vi, loa, tai nghe, vải dệt... công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước ước tăng 5,8% so với năm 2020. Cùng với đó, ngành xây dựng ước tăng 21,1%.
Bám sát mục tiêu trên, hàng loạt giải pháp căn cơ, khả thi đã được xây dựng. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành than, điện, xăng dầu... ổn định sản xuất.
Trong đó, đối với ngành than, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; phấn đấu sản lượng sản xuất than sạch 6 tháng cuối năm đạt trên 21,8 triệu tấn để đạt mục tiêu trên 45,5 triệu tấn năm 2021 (TKV khoảng 40 triệu tấn, Tổng Công ty Đông Bắc 5,5 triệu tấn). Đối với ngành điện, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ làm việc với 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn và với Bộ Công Thương để đề xuất kế hoạch huy động sản lượng điện đối với các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt 38,5 tỷ kWh để tăng thêm sản lượng tiêu thụ than cho các nhà máy điện.
Riêng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo thực sự là động lực tăng trưởng, đồng thời đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án mới. Trong đó, phấn đấu khởi công sớm nhất Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tại KCN Sông Khoai; hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý III/2021; tập trung chỉ đạo đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, đưa 9 dự án chế biến, chế tạo đi vào hoạt động; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, lắp đặt máy móc thiết bị đối với 7 dự án đăng ký đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2022, để có thể đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh toàn bộ, hoặc một phần trong năm 2021.
Trong lĩnh vực xây dựng, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đối với lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công - tư (PPP) mà còn dư địa lớn sẽ được tập trung thực hiện, nhất là đối với địa bàn trọng điểm như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn, Hải Hà, hay tại các KKT, KCN. Đây là những địa bàn, khu vực trở thành động lực tăng trưởng, có vai trò dẫn dắt thúc đẩy các địa phương khác và khu vực nông thôn phát triển bền vững. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư dự án Khu phức hợp Hạ Long Xanh, Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; tập trung đầu tư 143 dự án chuyển tiếp. Cùng với đó, tiếp tục phấn đấu khởi công các dự án nhà ở đã đấu thầu, có chủ đầu tư; hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với những dự án nhà ở đã có chủ trương đầu tư; đồng thời rà soát đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương đầu tư, để có giải pháp quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ dự án.
Có thể thấy, dù diễn biến của dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, nhưng với các biện pháp rà soát rất căn cơ của tỉnh, cùng với kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả, Quảng Ninh đang nỗ lực hết sức, quyết tâm để giữ an toàn tuyệt đối cho các ngành sản xuất trụ cột trên địa bàn.
Tính đến hết tháng 7, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,72% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng khi tăng 34,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 6,1%; kim ngạch XNK tăng 11,6%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 11,3% so với cùng kỳ... Đây là những nền tảng vững chắc để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, bù đắp thiệt hại cho những ngành khác, góp phần đưa kinh tế Quảng Ninh vượt “bão” Covid-19.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()