Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:51 (GMT +7)
Tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch
Thứ 3, 12/03/2024 | 11:17:28 [GMT +7] A A
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh "Về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện theo hướng thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Các chỉ số năng lực cạnh tranh, CCHC nhiều năm dẫn đầu cả nước. Niềm tin của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư và hệ thống cấp ủy, chính quyền tăng lên. Từ đó góp phần thu hút tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Những năm gần đây, các công ty, tập đoàn lớn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã lựa chọn các KKT, KCN ở Quảng Ninh để đầu tư, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 183 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14,2 tỷ USD. Trong đó có những dự án “siêu quy mô” của các Tập đoàn Foxconn, Jinko Solar, Texhong, Bumjin…
Tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), năm 2019 Tập đoàn Foxconn - một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới, đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và ti-vi, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD. Chỉ sau 1 năm, nhà máy đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên.
Sau thành công của dự án đầu tư đầu tiên tại Quảng Ninh, tháng 6/2023 Foxconn tiếp tục đầu tư 2 dự án tại Quảng Ninh là dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), nâng số 3 dự án của Foxconn tại Quảng Ninh, vốn đầu tư trên 350 triệu USD.
Ông Châu Nghĩa Văn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam, cho biết: Hai yếu tố chủ chốt khiến Tập đoàn quyết định lựa chọn KCN Đông Mai và KCN Sông Khoai làm “đại bản doanh” là do đây là các KCN sạch với hạ tầng đầu tư quy mô, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của Tập đoàn. Mặt khác, mối lo ngại lớn nhất của Tập đoàn khi đầu tư tại Quảng Ninh là TTHC, song quá trình khảo sát triển khai dự án cho thấy, nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh về ưu đãi đầu tư và quy trình xử lý TTHC nhanh gọn, hiệu quả.
Thực tế quá trình triển khai các dự án đến nay, Foxconn đã được các ngành của tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ giải quyết nhanh chóng vướng mắc, nhất là việc thực hiện thủ tục đầu tư dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Qua đó góp phần đưa các dự án đi vào sản xuất thuận lợi, đóng góp đáng kể vào vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Việc thu hút thành công nhiều công ty, tập đoàn lớn thời gian qua khẳng định tỉnh đã đi đúng hướng trong cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả cải cách thể chế; đẩy mạnh cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là địa phương đầu tiên trong nước phê duyệt kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh. Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, toàn tỉnh đã hoàn thành 6/6 quy hoạch chung các thành phố, thị xã; 6/7 quy hoạch xây dựng vùng huyện; 3/5 quy hoạch chung xây dựng KKT và 91 đồ án quy hoạch phân khu. Đồng thời thực hiện công khai, minh bạch kịp thời trong đấu thầu, thông tin các chính sách pháp luật cho doanh nghiệp; các chủ trương, định hướng lớn của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút, mời gọi đầu tư, các dự án đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, tỉnh chỉ đạo triển khai quy hoạch các KCN, KKT để tạo quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ. Đến nay tổng diện tích đất đã được GPMB tại các KCN đạt trên 2.472 ha, diện tích đất công nghiệp hiện có tại các KCN sẵn sàng cho thuê là 505 ha. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ GPMB nhiều dự án trọng điểm của tỉnh và địa phương; tiến độ rà soát, đánh giá nhu cầu tái định cư trên địa bàn đến năm 2030 cũng như chuẩn bị cho quỹ đất tái định cư. Các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực vào cuộc hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp, với cách làm mới, nhanh, rút ngắn thời gian; nâng cao hiệu quả giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức; thực hiện kết nối nhu cầu đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao…
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay Quảng Ninh đã xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, bình đẳng, minh bạch. Điều này thể hiện rõ ở Chỉ số PCI 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vững xếp hạng ở vị trí đứng đầu cả nước; Chỉ số SIPAS 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp vị trí dẫn đầu toàn quốc; Chỉ số PAR Index và Chỉ số PAPI năm 2022 dẫn đầu toàn quốc. 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của quốc gia và của tỉnh. Trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công tác toàn trình cả 3 cấp đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc. Trên 72,9% tổng số hồ sơ giải quyết TTHC được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()