Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 00:52 (GMT +7)
Tạo sân chơi bổ ích từ hoạt động văn nghệ trong trường học
Chủ nhật, 10/11/2019 | 12:13:29 [GMT +7] A A
Cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các nhà trường. Không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh, không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết trong giáo viên, học sinh, hoạt động này còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Một tiết mục văn nghệ của Trường THPT Cẩm Phả tham gia hội thi "Giai điệu tuổi hồng" năm học 2018-2019. |
Những ngày tháng 11, tại hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh không chỉ có tinh thần tích cực thi đua dạy và học, lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mà còn là không khí vui tươi, rộn ràng, sôi nổi tập luyện các chương trình văn nghệ của các em học sinh hướng tới kỷ niệm ngày tri ân thầy cô.
Em Vũ Huyền Anh, Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 20/11, nhà trường đều tổ chức hoạt động giao lưu hoặc thi văn nghệ, thể thao giữa các lớp học, vì vậy bạn nào cũng hào hứng, sắp xếp thời gian học tập hợp lý để tranh thủ tập luyện với mong muốn mang đến chương trình, hội thi những tiết mục văn nghệ ấn tượng, mới mẻ. Đây thực sự là những hoạt động bổ ích, giúp chúng em giảm căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học, rèn luyện thêm sức khỏe. Không những thế, thông qua các hoạt động này, các thành viên trong lớp còn gắn kết, chia sẻ với nhau nhiều hơn, xây dựng tinh thần đoàn kết tập thể tốt hơn.
Là một trong những trường học luôn đi đầu và đạt nhiều thành tích trong các phong trào thi đua của ngành, những năm qua, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THPT Cẩm Phả đã có nhiều cách làm hay, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, chương trình văn nghệ, thể thao thường xuyên, thu hút học sinh tích cực tham gia.
Thầy giáo Nguyễn Duy Hiếu, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Cẩm Phả, cho biết: Vào đầu mỗi năm học, Đoàn Thanh niên nhà trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình văn nghệ, thể thao trong cả năm. Theo đó, thứ 2 hàng tuần trong các giờ chào cờ tự quản, các lớp luân phiên thực hiện các chương trình văn nghệ, sân khấu hóa các nội dung tuyên truyền, giáo dục về chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng chống bạo lực học đường... Đối với các chương trình chào mừng các sự kiện lớn, các lớp sẽ nhóm lại (từ 3-5 lớp) để kết hợp cùng nhau tự xây dựng kịch bản tổ chức, báo cáo Đoàn trường. Những hoạt động văn nghệ này đều được đưa vào đánh giá thi đua hằng năm. Học sinh ngày càng năng động, tự tin hơn, được rèn luyện nhiều mặt nên cha mẹ học sinh rất ủng hộ các hoạt động này. Vì vậy, nhà trường đã và đang tiếp tục chú trọng đến việc đa dạng hóa về nội dung và hình thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, để phát triển năng khiếu, thể chất cho học sinh.
Một buổi sinh hoạt của CLB Hát then, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Tiên Yên. Ảnh: Lan Anh |
Để phát triển, duy trì phong trào văn nghệ hiệu quả, hầu hết vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày thành lập Đoàn (26/3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các trường học đều tổ chức hội thi, hội diễn nghệ thuật với quy mô, cách thức phù hợp đối với từng bậc học. Đơn cử như ở bậc học mầm non, các nhà trường tập trung tổ chức hội diễn, giao lưu văn nghệ giữa giáo viên, học sinh thông qua cuộc thi bé kể chuyện, hội thi hát hay cấp trường... Còn ở bậc học cao đẳng, đại học, các hoạt động, chương trình văn nghệ hầu hết được giao trực tiếp cho các em sinh viên phụ trách.
Em Đỗ Duy Anh, lớp Công nghệ điện lạnh K11, khoa Điện, Chủ nhiệm CLB Văn hóa - văn nghệ, Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh, chia sẻ: Đối với việc tổ chức các hoạt động văn nghệ của Đoàn trường, Hội Sinh viên trường đều do CLB Văn hóa - văn nghệ đảm nhận. Chúng em tự xây dựng kế hoạch nội dung đến tập hợp đoàn viên, phân công thực hiện và tập luyện biểu diễn. Từ đây, khơi dậy được tinh thần sáng tạo, đổi mới của sinh viên trong tổ chức sự kiện cũng như thu hút và phát hiện được rất nhiều bạn sinh viên tài năng là nhân tố cho trường tham gia các cuộc thi, giao lưu liên hoan văn nghệ ở trong và ngoài trường.
Nhằm đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong trường học được tổ chức hệ thống, bài bản, song song với tổ chức thường xuyên các chương trình, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đưa vào giảng dạy các làn điệu dân tộc, xây dựng các CLB văn nghệ dân gian. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tiêu biểu là các trường học tại huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ... nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với truyền thống văn hóa đặc sắc đã chủ động đưa vào giảng dạy và học tập các làn điệu dân tộc như hát Then – đàn Tính, hát Soóng cọ, Sán cố... nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh.
Bên cạnh đó, các hội thi “Giai điệu tuổi hồng”, “Họa mi vàng”, “Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng”... do Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức định kỳ cũng thu hút đông đảo học sinh các cấp học tham gia biểu diễn các thể loại hát, múa, khiêu vũ... Có thể thấy, phong trào văn nghệ trong các trường học phát triển ngày càng bài bản, đổi mới đã khẳng định hướng đi đúng của các trường học trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Duy Khoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()