Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:14 (GMT +7)
Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Chủ nhật, 28/05/2023 | 14:07:41 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, Hội LHPN các cấp với vai trò nòng cốt đã chủ động rà soát, nắm chắc danh sách hội viên phụ nữ DTTS còn gặp nhiều khó khăn tại địa phương để có kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhờ đó, các chị em phụ nữ DTTS này đã đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học, kỹ thuật, được tiếp cận vốn từ các nguồn tín dụng, ngân hàng chính sách xã hội, để vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Gia đình bà Triệu Thị Hương, SN 1963, người dân tộc Dao, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ nhiều năm trước kinh tế gia đình rất khó khăn. Cuộc sống của gia đình bà chỉ dựa vào vài sào ruộng cấy, đi làm keo thuê, thu nhập bấp bênh, không ổn định và phải sống trong căn nhà đất lụp xụp.
Quyết tâm làm giàu, năm 2012, gia đình bà Hương bắt tay vào trồng keo, mỗi vụ thu về trên 100 triệu đồng. Đến năm 2018, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và cán bộ phụ nữ, gia đình bà Hương đã mạnh dạn chuyển 1,5 ha diện tích trồng keo sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như giổi, lát, xen kẽ trồng quế, trà hoa vàng, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Bà Triệu Thị Hương chia sẻ: Trong quá trình làm, gia đình tôi đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách, với số tiền tổng cộng là 60 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có tiền để mua cây giống, phát triển sản xuất.
Không ngại khó, ngại khổ, với suy nghĩ mới, cùng bàn tay lao động cần cù, gia đình bà Hương giờ đây đã ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo và xây được căn nhà mới vững chãi.
Giống như bà Triệu Thị Hương, chị Hà Thị Trang, SN 1987, người dân tộc Dao Thanh Y, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ cũng là một trong những hội viên phụ nữ DTTS rất chịu khó, tích cực phát triển kinh tế gia đình. Chị Hà Thị Trang cho biết: Sau hơn 10 năm trồng cây thanh long ruột đỏ, đến nay, gia đình tôi đã có của ăn, của để. Trên nền diện tích 1 ha, mỗi năm tôi thu hoạch được 3 tấn thanh long, với giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn huyện, chính vì thế, các cấp hội phụ nữ huyện Ba Chẽ luôn xác định công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chị Phạm Thị The, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ cho biết: Hiện nay, Hội LHPN huyện Ba Chẽ đã và đang chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn duy trì 28 mô hình kinh tế có hiệu quả do phụ nữ làm chủ. Với các hoạt động thiết thực, cụ thể của các cấp hội phụ nữ huyện Ba Chẽ, sự chủ động của hội viên, phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, nhiều chị em phụ nữ dân tộc đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của huyện.
Cùng với huyện Ba Chẽ, những năm qua, thực hiện sự định hướng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, tích cực chủ động tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ vùng DTTS triển khai xây dựng các mô hình kinh tế, phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng của từng vùng, miền. Chị Lưu Thị Vân, thôn Bình Hải, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà chia sẻ: Từ năm 2017, khi bắt tay vào nuôi vịt biển lấy trứng kết hợp với nuôi giống gà bản Đầm Hà chăn thả đồi tự nhiên, gia đình tôi đã dần khấm khá hơn. Nhờ được Hội Phụ nữ xã giới thiệu cho vay vốn từ nguồn giải quyết việc làm, vợ chồng tôi đã được vay 100 triệu đồng để có thể mở rộng quy mô. Có thời điểm nhiều nhất, gia đình chị nuôi đến 2.000 con vịt biển, cho hơn 1.000 trứng vịt/ngày và hơn 1.000 con gà bản.
Trứng vịt biển gia đình chị Vân có lòng đỏ tươi, không tanh, ăn có vị thơm. Tham gia vào HTX Tân Hải, trứng vịt nhà chị Vân đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Giá bán lẻ có thời điểm lên tới 4.500 đồng/quả. Gà bản nuôi thả đồi nên thịt chắc ngọt, trọng lượng trung bình 1,5 – 2 kg, giá thành 150 nghìn đồng/kg.
Được biết, một trong những chính sách thiết thực nhất, góp phần quan trọng vực dậy kinh tế gia đình của người dân vùng khó khăn, đặc biệt là phụ nữ DTTS, chính là nguồn vốn vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đang tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ cho vay vốn thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, tổng dư nợ đến nay là 1.935,3 tỷ đồng/34.287 hộ vay, với 1.016 tổ tiết kiệm và vay vốn. Được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hội viên phụ nữ DTTS có thêm vốn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế gia đình hiệu quả; giúp nhiều hội viên ở vùng sâu, vùng xa thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, sáng tạo nhiều cách làm hay tại cơ sở. Để từ đó, xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, đảm bảo mọi phụ nữ DTTS đều được hưởng thành quả phát triển của tỉnh.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()