Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:51 (GMT +7)
Tạo sức bật phát triển ngành thủy sản bền vững
Thứ 5, 01/04/2021 | 07:33:08 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, cùng hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Thu hoạch cá song nuôi tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. |
Những kết quả tích cực
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân, ngư dân về vị trí, vai trò, phát triển kinh tế thủy sản, được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu thủy sản được tỉnh định hướng rõ, đó là tăng nuôi trồng thủy sản (NTTS), giảm khai thác thủy sản (KTTS). Trong KTTS tập trung tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ… Trong NTTS, tập trung tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh. Đặc biệt, ngành NN&PTNT đã đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, đơn vị điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm nuôi chủ lực tôm, nhuyễn thể.
Người dân huyện Tiên Yên thu hoạch tôm. |
Các chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng vào lĩnh vực thủy sản đã phát huy hiệu quả, từ đó trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn phát triển thủy sản. Năm 2019, sau 2 năm khởi công, Tập đoàn Việt - Úc đã có mẻ tôm giống đầu tiên sản xuất tại xã Tân Bình (huyện Đầm Hà), từ đó, gỡ dần "nút thắt" về thiếu giống tôm nuôi. Tính riêng năm 2020, 24 trại giống của Việt - Úc sản xuất gần 1 tỷ con giống, trong đó 70% được cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tạo tiền đề khiến con tôm trong cơ cấu đối tượng nuôi thủy sản Quảng Ninh được nâng tầm. Năm 2020 sản lượng tôm nuôi là 14.000 tấn, giá trị mang lại khoảng 2.000 tỷ đồng trong tổng số 13.700 tỷ đồng toàn ngành Thủy sản.
Tính riêng năm 2020, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 150.000 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác đạt trên 73.000 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt trên 77.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.300ha; số giống thả nuôi đạt trên 5.000 triệu con giống các loại; giá trị sản xuất tăng gấp 2 lần so với năm 2013, đạt 13.959 tỷ đồng chiếm 55,7% giá trị toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Với sự tăng trưởng nhanh, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tiếp tục phát triển bứt phá. Trong đó, đặc biệt là chủ trương của Đảng, Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế biển thực hiện Nghị quyết số 36 - NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục xác định nuôi trồng và khai thác hải sản đứng thứ 4/6 ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển đột phá. Mặt khác, hội nhập quốc tế sâu rộng, lợi thế từ thị trường rộng lớn từ Trung Quốc, nhiều hiệp định thương mại FTA thế hệ mới tạo cơ hội có được từ việc cắt giảm thuế quan khi xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên được giảm ngay từ 90% cho đến 0%; kinh tế tỉnh ngày càng phát triển là cơ hội mở rộng thị trường hải sản tại chỗ, nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản chất lượng cao tăng; toàn cầu hoá và cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 tạo ra cơ hội mới cho kinh tế thủy sản của tỉnh...
Kỹ sư Tập đoàn Việt - Úc kiểm tra chất lượng tôm giống tại Khu sản xuất tôm giống xã Tân Lập (huyện Đầm Hà). |
Tạo đà phát triển bền vững
Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, ngành Thủy sản của Quảng Ninh cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động trực tiếp đến nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có lợi thế sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hoá và du lịch.
Mặt khác, tình trạng nuôi thủy sản ngoài, trái quy hoạch, nuôi tự phát trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Đặc biệt, thời gian qua ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm bị ách tắc...
Cán bộ Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long hướng dẫn người dân nuôi, chăm sóc hàu sữa. Ảnh: Đỗ Phương |
Dự báo đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 55-60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 150.000 tấn, trong đó: Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 365 triệu USD. Nâng cao năng lực chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt giá trị gấp 1,7-1,9 lần so với năm 2020; tạo việc làm cho khoảng 54.000 lao động ngành thủy sản của tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hoặc xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết đảm bảo con giống rõ nguồn gốc, thích nghi được với điều kiện môi trường nuôi. Đồng thời, siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...
Về lâu dài, chiến lược phát triển thủy sản của Quảng Ninh có sự chuyển dịch rất rõ nét, từ sơ chế, chế biến thiếu chuẩn, dưới chuẩn sang đạt chuẩn, trên chuẩn; từ cách thức nuôi gần bờ, lợi dụng eo ngách sang vươn ra biển lớn, xa bờ, ở những vùng biển hở, mở; tập trung nuôi theo hướng công nghiệp giàu hàm lượng khoa học công nghệ với ứng dụng vật liệu nuôi, thiết bị nuôi, quy trình nuôi, nguyên liệu đầu vào… tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Song song với đó, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tính riêng 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã thả trên 11 triệu con giống tôm, cua, cá về môi trường tự nhiên, qua đó góp phần tái tạo, duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt. Các dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai mạnh, như: Quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần; triển khai nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, nhân giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; ứng dụng KHCN trong việc phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()