Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 04:56 (GMT +7)
Tạo việc làm cho lao động nông thôn
Thứ 3, 09/02/2010 | 07:34:15 [GMT +7] A A
Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” đến năm 2020. Ngày 3-2 vừa qua, Chính phủ đã họp giao ban trực tuyến toàn quốc về việc triển khai Đề án này.
Đề án có mục tiêu đào tạo nghề bình quân mỗi năm cho khoảng 1 triệu lao động, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100 ngàn lượt cán bộ, công chức xã; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Trên cơ sở đó tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phục vụ tốt sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đối tượng tham gia đề án là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề cần học; ưu tiên dạy nghề cho người diện chính sách ưu đãi, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác; cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền, công chức chuyên môn xã, cán bộ bổ sung. Kinh phí thực hiện đề án trích từ ngân sách nhà nước, ngân sách của một số địa phương tự cân đối và huy động thêm nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện đề án...
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đây là đề án quan trọng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện các bộ, ngành T.Ư đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để triển khai ở các địa phương. Để triển khai đề án đạt hiệu quả cao và thiết thực, các tỉnh, thành phải nắm được nhu cầu ngành nghề của địa phương mình, nhu cầu người đi học, khả năng cung ứng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn giáo viên, giáo trình đào tạo v.v.. phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn...
Có thể nói đề án là một tin vui đối với lao động nông thôn nói chung, cán bộ, công chức xã nói riêng ở các địa bàn nông thôn - nơi lao động có việc làm, trình độ tay nghề, trình độ KH-KT còn ở mức thấp và chiếm số lượng lớn. Những năm qua, với tốc độ đô thị hóa mạnh, công nghiệp hóa nhanh nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi để phục vụ cho các dự án. Vì vậy một lượng lớn lao động nông thôn thiếu việc làm, không có đất để sản xuất ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Hệ quả là làn sóng lao động di cư ra các đô thị ngày càng tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội...
Để triển khai tốt đề án này, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư để thực hiện; đặc biệt cần sớm xem xét, nghiên cứu thành lập các trung tâm dạy nghề ở các huyện để tổ chức dạy nghề hiệu quả. Đồng thời chủ động kế hoạch kinh phí để thực hiện đề án...
Liên kết website
Ý kiến ()