Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 04:34 (GMT +7)
Tạo “vòng tròn” cho sản phẩm nông nghiệp
Thứ 6, 14/09/2012 | 04:09:53 [GMT +7] A A
Với hơn 90.000 công nhân thuộc khối doanh nghiệp ngành than, điện, xi măng, đóng tàu và hàng triệu lượt khách du lịch lưu trú đến Quảng Ninh mỗi năm cho thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là rất lớn. Vậy, trong thực tế, câu chuyện “cung và cầu” của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như thế nào?.
Theo số liệu thống kê, năm 2011, toàn tỉnh tiêu thụ 180.000 tấn rau, củ, quả các loại; 40.000 tấn thịt các loại; 38.000 tấn thủy hải sản và 75 triệu quả trứng gia cầm. Đáng chú ý, mức tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng từ 14-16%/năm. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ ở Quảng Ninh rất lớn. Cùng với đó, Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế về một số sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lại gặp khó khăn.
Lý giải về điều này có những nguyên nhân chủ yếu sau: Sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít; mối quan hệ giữa 3 nhà (nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà tiêu thụ) chưa chặt chẽ, thậm chí các bên thiếu thông tin của nhau dẫn tới chưa có kết nối...Thế mới có chuyện, thời Hạ Long chưa có Metro không ít các khách sạn được xếp hạng sao ở Quảng Ninh phải sang Hải Phòng hoặc lên Hà Nội mua thực phẩm. Giờ vẫn vậy, hải sản và cả rau, củ quả được sản xuất ở ngay địa bàn tỉnh vẫn khó “lọt” vào bếp các khách sạn. Cùng với nguyên nhân chưa có sự đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì yếu tố sản xuất nhỏ lẻ cũng tự gây ra “khó dễ” với đơn vị tiêu thụ.
Để tạo “vòng tròn” khép kín cho sản phẩm nông nghiệp, giải pháp được xác định là: lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xác định rõ từng loại sản phẩm trên cơ sở tham khảo thị trường tiêu thụ, nên hình thành hệ thống cung ứng làm cầu nối giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ. Và một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng đang được tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai mạnh là xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Đối với nhà sản xuất cần tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và thực hiện nghiêm túc cam kết với nhà cung ứng và đơn vị tiêu thụ.
Bên cạnh đó, đơn vị cung ứng phải xây dựng đăng ký bao bì, mẫu mã sản phẩm đã được chứng nhận để người tiêu dùng dễ nhận biết. Đồng thời, thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin về những vấn đề mới liên quan đến sản phẩm nông sản và thị trường tiêu thụ. Phối hợp với đơn vị tiêu thụ có cơ chế hỗ trợ cho vùng sản xuất để tăng cường mối liên kết “sản xuất - cung ứng - tiêu thụ”.
Còn nhà tiêu thụ khi đã được thỏa mãn các yêu cầu thì sự lựa chọn sản phẩm địa phương nên là ưu tiên số một. Bởi đây cũng chính là cách góp phần vào xây dựng, phát triển nền kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()