Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 18:15 (GMT +7)
Tập trung bình ổn giá vật tư nông nghiệp
Thứ 5, 19/08/2021 | 08:03:58 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, cá biệt như mặt hàng phân bón tăng từ 8 đến hơn 70%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu có thể bị đứt gãy, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp để tránh nạn đầu cơ, trục lợi.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao. Trong đó, tăng mạnh nhất là mặt hàng phân bón. Cụ thể, đối với phân bón sản xuất trong nước như phân urê (đạm Cà Mau) tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); phân DAP (Ðình Vũ) tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); phân NPK (Bình Ðiền) tăng 24,3% (loại NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).
Các loại phân bón nhập khẩu cũng tương tự, phân SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); phân DAP 64% nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); Phân Kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg). Ðối với các loại vật tư nông nghiệp khác như thuốc BVTV cũng tăng nhẹ từ 10 đến 15%. Thức ăn chăn nuôi nhiều loại tăng từ 30 đến 35%.
Lý giải giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao, Cục trưởng BVTV Hoàng Trung cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Trong bảy tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón tăng liên tục, trong đó, giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), giá axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, giá khí amoniac (NH3) tăng 220%, giá quặng apatit tăng 7,7%. Ngoài ra, giá cước vận tải tăng lên từ ba đến năm lần.
Ðối với mặt hàng thuốc BVTV, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, nguồn nguyên liệu thuốc BVTV ở nước ta phụ thuộc gần như 100% từ nhập khẩu, trong đó chủ yếu từ các nước Trung Quốc và Ấn Ðộ. Hiện nay, giá nhập khẩu nguyên liệu một số thuốc BVTV đã tăng. Ngoài ra, cước vận chuyển cũng tăng cao và khó đặt tàu chuyển hàng. Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng (Bắc Giang) Lê Văn Thịnh cho biết, bình quân cước vận chuyển hàng từ Trung Quốc, Mỹ về Việt Nam tăng từ 50 đến 60% so với trước đây. Giá cước tăng cao nhưng việc tìm kiếm phương tiện không dễ dàng, có khi mất hai đến ba tháng mới tìm được tàu chở hàng. Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV nhập khẩu từ Ấn Ðộ thời gian qua đã tăng giá... tình hình khan hiếm nguyên liệu đã dẫn đến giá thành sản xuất buộc phải tăng theo.
Cùng với các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng cao từ 30 đến 35%, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Ðầu ra khó khăn, giá bán giảm khiến người chăn nuôi rơi vào thua lỗ, thậm chí càng nuôi càng lỗ. Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm cuối năm 2020 cho đến nay. Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi vận chuyển đứt gãy khiến cước phí vận chuyển tăng 200 đến 300%.
Vật tư nông nghiệp liên tục tăng giá, chi phí đầu vào tăng, giá đầu ra của sản phẩm giảm khiến nhà nông càng thêm bộn bề lo toan, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Hiện, người dân ở các tỉnh Nam Bộ đang thu hoạch lúa cuối vụ hè thu và khẩn trương gieo sạ lúa vụ thu đông - mùa năm 2021. Sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng đang bước vào vụ nuôi mới. Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình giá vật tư đầu vào như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng cao, việc kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, nhập khẩu không rõ ràng nguồn, tình trạng đầu cơ, tích trữ tạo khan hiếm giả để tăng giá thu lợi… đang là vấn đề bức xúc, làm tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến hiệu quả của sản xuất.
Trước tình hình nêu trên, Tổ công tác 970 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Nam Bộ về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cục quản lý thị trường, thanh tra sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp các sở, ban, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND các huyện đẩy mạnh kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm mầu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn. Ðồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Cục Quản lý thị trường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, nhưng tránh gây phiền hà cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Trong số các loại vật tư nông nghiệp đang tăng giá, mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ tiếp tục duy trì giá cao. Trước bối cảnh này, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón thống nhất các biện pháp góp phần bình ổn giá phân bón như tăng sản lượng sản xuất, hạn chế xuất khẩu, ưu tiên nguồn hàng phục vụ sản xuất trong nước. Cùng với đó, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí tuân theo nguyên tắc “5 đúng”, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm,…). Ðồng thời, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để giảm áp lực cho phân vô cơ và tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học.
Ðối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, trước mắt để giảm sức nóng cho ngành hàng này cần khuyến khích doanh nghiệp, người chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Về lâu dài, cần có chiến lược phát triển chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước như ngô, đậu tương... Cùng với đó, Chính phủ nên xem xét đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, giúp người chăn nuôi chủ động được đầu vào, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm trong nước.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()