Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:31 (GMT +7)
Tập trung thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách
Thứ 6, 02/06/2023 | 13:06:10 [GMT +7] A A
Thời gian qua, bằng những chính sách đầu tư thông thoáng, kết hợp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, Quảng Ninh đã thu hút thêm được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội, nhờ đó đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách là hết sức cần thiết và phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai gần 50 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó trong hơn 10 năm qua tỉnh đã kiến tạo được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, tương đối đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể. Qua đó, đã mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”...
Đặc biệt, tỉnh đã đẩy nhanh các chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ đảm bảo liên thông tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Có thể kể đến, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, hệ thống công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu... Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các dự án giao thông động lực, quan trọng khác như: Cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1), phối hợp với các tỉnh lân cận triển khai đầu tư hoàn thành cầu Triều và đường dẫn nối QL18 với tỉnh lộ 389, cải tạo nâng cấp đường 342 kết nối Lạng Sơn... đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới.
Từ những kết quả đã đạt được, Quảng Ninh đặt mục tiêu trong 5 năm (2020-2025), sẽ phải đảm bảo hoàn thành được 5 nhóm mục tiêu lớn: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt trên 117 nghìn tỷ đồng, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng trên 10%/năm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; hoàn thành xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu mở; hoàn thành đồng bộ hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; hoàn thành cải tạo nâng cấp các hồ chứa nước trọng yếu tại các khu vực Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Uông Bí; hệ thống cung cấp nước sạch, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch nông thôn. Cải thiện đáng kể hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường xử lý nước thải, rác thải y tế, sinh hoạt...
Để thu hút dòng vốn ngoài ngân sách, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy gắn với cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giữ vững Chỉ số PCI. Đặc biệt, Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Mục tiêu này gắn liền với việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng và chuyển giao, làm chủ khoa học - công nghệ, nhất là những công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh lại phân cấp nguồn thu, theo nguyên tắc ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân sách địa phương; phân cấp tối đa các nguồn thu gắn với trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức thực hiện của các địa phương; tăng tỷ lệ điều tiết từ ngân sách cấp dưới về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách. Cùng với đó tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước vốn cũng như việc chi chuyển nguồn; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; hạ tầng liên liên kết vùng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()