Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:07 (GMT +7)
Nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ
Thứ 7, 15/07/2023 | 08:00:01 [GMT +7] A A
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ đã từng bước được nhân rộng. Mô hình chăn nuôi này không chỉ góp phần cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp hạn chế dịch bệnh cũng như những tác động xấu đến môi trường.
Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn đạt tiêu chuẩn Global G.A.P (Tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững). Để đạt được tiêu chuẩn trên, việc chăn nuôi của công ty phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về phòng, chống, giám sát dịch bệnh, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trong thời gian nhất định. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn trong chăn nuôi được sử dụng hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên.
Hiện nay, công ty đã trồng được 20ha cỏ voi, 12ha trồng sắn và dự kiến sẽ mở rộng diện tích vùng trồng. Với mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, công ty cũng phối hợp với các địa phương trên địa bàn TP Móng Cái vận động, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, hay trồng sắn và trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn cung cấp cho việc chăn nuôi. Đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo cho hiệu quả chăn nuôi, cũng như chất lượng thịt bò sạch đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty.
Công ty Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) cũng thực hiện chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ. Công ty đã áp dụng hệ thống chăm sóc tự động, ứng dụng phần mềm quản lý theo dõi lý lịch, sức khỏe hàng ngày của vật nuôi, sử dụng thức ăn tự nhiên có nguồn gốc… nên khả năng tăng khối lượng của đàn hơn 650g/con/ngày, tiết kiệm gần 1.500 lít nước/con, chất lượng thịt tốt. Điều quan trọng nhất là đàn lợn ở đây có sức đề kháng tốt nên đây cũng là một trong những trang trại lợn hiếm hoi trên cả nước “miễn nhiễm” với dịch tả lợn châu Phi trong suốt hơn 2 năm qua.
Thời gian qua, các mô hình chăn nuôi hữu cơ ngày càng được áp dụng, triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Theo Sở NN&PTNT, chăn nuôi hữu cơ là sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, đồng thời đảm bảo cho động vật có một môi trường sống thoải mái nhất và bảo vệ môi trường sinh thái. Việc chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện theo Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ thịt (gia súc, gia cầm), trứng (thủy cầm, gia cầm)... đạt tối thiểu 2% giai đoạn năm 2025, định hướng đến năm 2030 đạt tối thiểu 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh như lợn, bò thịt, bò sữa, gà thịt, trứng gà, trứng vịt...
Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp những khó khăn như: Chưa hình thành được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đòi hỏi nguồn cung phải đảm bảo liên tục; để chuyển từ chăn nuôi theo hướng công nghiệp sang hướng hữu cơ, các hộ chăn nuôi phải đầu tư thêm nhiều kinh phí để cải tạo chuồng trại, thay đổi phương thức sản xuất…
Để đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi hữu cơ ổn định, bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp, như: Tổ chức đào tạo tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng, mô hình chăn nuôi hữu cơ đạt chuẩn chứng nhận hữu cơ; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ cho trồng trọt để sản xuất các loại ngũ cốc hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho vật nuôi; xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ làm cơ sở áp dụng sản xuất chăn nuôi hữu cơ phù hợp với tự nhiên và điều kiện triển khai trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và chọn tạo các giống vật nuôi kháng bệnh và thích ứng với điều kiện chăn nuôi hữu cơ. Ngành cũng sẽ công khai danh sách, địa chỉ các vùng, các đơn vị, hộ chăn nuôi hữu cơ được chứng nhận và thông tin về thị trường, giá cả trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người tiêu dùng biết để lựa chọn sản phẩm; có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi thẩm định và cấp giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và cho phép lưu hành; giúp đỡ người chăn nuôi xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()