Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 08:56 (GMT +7)
Tập trung sức phòng, chống dịch tai xanh ở lợn
Thứ 7, 15/05/2010 | 06:43:32 [GMT +7] A A
15 giờ 30 phút ngày 13-5, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các ngành chức năng và các địa phương để bàn biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tai xanh ở lợn đang có nguy cơ lan rộng.
Theo cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh, dịch lợn tai xanh đã bùng phát từ ngày 23-4 và đến ngày 11-5 đã có 9 xã, phường thuộc 4 địa phương là Đông Triều, Yên Hưng, Hải Hà, Hạ Long xuất hiện dịch bệnh. Tổng số đã có hơn 2 ngàn con lợn bị bệnh, trong đó đã tiêu huỷ gần 500 con. Cũng theo cơ quan chức năng, dịch tai xanh bùng phát và lan rộng ở các địa phương trong tỉnh có cường độ và quy mô lớn gấp 4 lần so với năm 2009. (Năm 2009 dịch chỉ phát ra ở 2 xã của Yên Hưng).
Nguyên nhân phát sinh dịch có nhiều, như diễn biến của thời tiết phức tạp (hiện tượng Enilo) ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia súc, mầm bệnh còn tồn lưu ở các ổ dịch cũ... song cơ bản vẫn là do việc kiểm soát việc vận chuyển gia súc từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh chưa được chặt chẽ; nhiều hộ còn mua con giống trôi nổi trên thị trường, một số tư thương hám lợi đã mua, bán gia súc mắc bệnh trên thị trường. Bên cạnh đó còn do phương thức, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh, nhiều chủ hộ tự chữa trị, không khai báo kịp thời cho cơ quan chuyên môn...
Cơ quan chuyên môn nhận định, dịch tai xanh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, có tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát. Theo lãnh đạo huyện Đông Triều báo cáo tại cuộc họp khẩn cấp thì dịch đã lan nhanh ra nhiều xã trên địa bàn. Huyện Hoành Bồ cũng báo cáo có dấu hiệu dịch tai xanh đã xuất hiện trên địa bàn.
Với tính chất phức tạp của dịch bệnh, để phòng chống, ngăn chặn hiệu quả không để dịch lan ra diện rộng, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, liên quan và các địa phương tập trung cao độ sức người, sức của cho việc dập dịch. Tỉnh đảm bảo cung ứng đủ thiết bị, vật tư, hoá chất cho việc phòng chống dịch. Trong thời gian qua mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phòng, chống dịch, song các địa phương cần kiện toàn, chấn chỉnh Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch để thực hiện tốt hơn công tác giám sát, phát hiện dịch trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Các chốt kiểm dịch, kiểm soát liên ngành phải hoạt động thực sự hiệu quả, không để gia súc mắc bệnh lọt vào địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm soát tại các điểm giết mổ tập trung và nhỏ lẻ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch...
Liên kết website
Ý kiến ()