Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 04/11/2024 18:45 (GMT +7)
Tất cả vì hạnh phúc nhân dân
Chủ nhật, 27/10/2024 | 05:27:41 [GMT +7] A A
Kiên định với mục tiêu mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là các mục tiêu về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Qua đó, tiếp thêm niềm tin, khát vọng, chung sức của nhân dân xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Chăm lo toàn diện
Mùa thu tháng 10 lại về trong niềm hân hoan mùa lúa chín vàng nơi miền soóng cọ Đại Dực (Tiên Yên). Khắp các thôn bản từ già trẻ, gái trai đều hào hứng hòa mình vào không khí của ngày hội. Họ cùng nhau ngân nga điệu soóng cọ ngọt ngào mừng mùa lúa bội thu, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, quây quần bên mâm cơm mới sum vầy. Có lẽ, nhìn khung cảnh rộn ràng, vui tươi ấy khó ai biết được mới chỉ hơn một tháng sau khi cơn bão Yagi đổ bộ, nhịp sống đang dần ổn định trở lại nơi đây.
Ông Hoàng Trọng Bảo, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực chia sẻ: Phần lớn các hộ trồng rừng của xã đều bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Buồn có, vất vả cũng còn nhiều, song bà con luôn động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau mọi mặt để từng bước ổn định cuộc sống. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ của tỉnh chính là trợ lực quan trọng để các hộ dân bắt đầu lại. Gác lại những khó khăn, mọi người cùng nhau tham gia ngày hội truyền thống như một cách gắn kết, tiếp thêm sức mạnh, lạc quan cùng nhau vượt qua khó khăn và lại quyết tâm vươn lên tạo dựng cuộc sống mới sung túc, đủ đầy.
Sau bão, tại các địa phương đều còn nhiều lắm những khó khăn và sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục, tái thiết cuộc sống, song từ trong ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực không ngơi nghỉ của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tất cả đều đang đứng lên, vực dậy sau thảm họa. Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, ngay sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, tỉnh đã nhanh chóng ban hành các chính sách, biện pháp quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo đó, tỉnh đã nhanh chóng thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách, ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND ngày 10/9/2024 cấp bổ sung có mục tiêu cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là 180 tỷ đồng. Ngày 23/9/2024, HĐND tỉnh khóa XIV đã tổ chức Kỳ họp thứ 21 biểu quyết thống nhất ban hành các chính sách, dành hơn 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cụ thể, Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục, cần phải xây mới với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ; hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50 triệu đồng/hộ. Đồng thời, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 50 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên, 15 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài 6-12m; tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lên khoảng 1,4 lần so với hiện hành.
Thụ hưởng thành quả phát triển
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành hàng chục chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó, giai đoạn 2020-2023, tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh là hơn 7.400 tỷ đồng, tập trung vào các chính sách về việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, người neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi...
Điểm nhấn trong các chính sách nổi bật của Quảng Ninh phải kể đến Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nghị quyết của “Ý Đảng - Lòng dân”, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lợi ích phát triển chung của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm, hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, nâng lên, đặc biệt là thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, năm 2023 đạt là 6,112 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước.
Trong đó, huyện Bình Liêu là huyện dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Ước 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh giảm 150/246 hộ nghèo, bằng 60,97% kế hoạch năm 2024; giảm 1.000 hộ cận nghèo, bằng 66,67% kế hoạch năm, bằng 32,64% trên tổng số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh...
Cùng với đó, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được quan tâm thông qua hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các hoạt động lễ hội truyền thống, văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được tổ chức rộng khắp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ của nhân dân.
Những kết quả nổi bật trên là minh chứng khách quan, sinh động cho việc cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhất là phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()