Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:36 (GMT +7)
Tây Nguyên, ngày trở lại...
Thứ 2, 05/09/2022 | 15:05:13 [GMT +7] A A
Vậy cũng đã đi qua hơn bốn năm tôi mới có dịp trở lại vùng đất cao nguyên đầy nắng gió này. Tây Nguyên luôn hiện hữu trong tôi về vùng đất bao la xanh tốt cây trái, núi rừng hùng vĩ, miền đất bazan cứ đỏ sậm như vây bủa cả bao la…
Buôn Ma Thuột và... những bát bún
Bước chân đầu tiên đến sân bay Buôn Ma Thuột là ghi dấu ấn về Tây Nguyên xanh với hàng cây cổ thụ từ phi trường dẫn về thành phố. Con đường cây xanh đẹp đến nao lòng bất kể là mùa nào khi lữ khách có dịp đến với miền cao nguyên xanh này. Lần đầu tiên tôi đến Buôn Ma Thuột không bằng đường hàng không mà đi đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh lên sau khi bay từ Hà Nội vào sân bay Tân Sơn Nhất. Mấy lần sau tôi mới có dịp bay thẳng Hà Nội đến Buôn Ma Thuột. Trở lại Buôn Ma Thuột, bỗng như tôi chợt nhận ra, mảnh đất này có nhiều điều rất bí ẩn chưa bao giờ khám phá hết. Mỗi con đường, bản làng đều mang đậm dấu ấn của một Tây Nguyên bảng lảng miền sử thi Đam San - một sử thi đặc sắc của người Ê Đê của vùng đất này với câu chuyện của những chàng trai Ê Đê chiến đấu cho tình yêu đầy lãng mạn và oai hùng…
Vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng không chỉ là xứ sở của cà phê, của cao su, của những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà Buôn Ma Thuột còn là vùng đất lịch sử đặc biệt, nơi mà các cánh quân của ta mở màn chiến dịch Mùa xuân năm 1975 lịch sử, đưa đến thắng lợi to lớn là công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông được nối liền một dải - mốc son chói ngời trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử. Tây Nguyên vẫn nắng ấy, gió ấy và những câu chuyện bất tận về con người và mảnh đất nơi đây.
Buổi sáng đầu tiên ở thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi ăn sáng ở quán bún có tên bún Bà Mô tại 82, đường Lê Thánh Tông, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Nghe nói quán đã có 70 năm tuổi. Con phố thanh bình cũ kỹ đông nghẹt người buổi sáng vì khách đến ăn món bún bò rất đông. Món bún bình dị có khắp đất nước, nhưng mỗi vùng miền, các bà chủ quán khéo léo từ lựa thực phẩm đến pha chế để làm nên thương hiệu riêng cho quán bún của mình. Đó là giá trị văn hóa ẩm thực dân gian không dễ mà có được nếu người chủ quán không biết cách tạo ra sự hấp dẫn ở bát bún nhỏ bé kia. Bát bún Bà Mô đầy đặn với thịt bò và miếng móng giò đầy ụ. Một vị khách ăn cạnh bàn tôi thấy tôi xuýt xoa, anh nhanh nhảu nói: “Tôi còn đặt mấy bát cho bố vợ mang đi Hà Nội bây giờ. Mang về cho bà ở nhà được thưởng thức, lần nào ông vào chơi tôi cũng đều làm thế”.
Tôi quá đỗi ngạc nhiên. Chợt nhớ tối qua có anh cháu con người bạn đưa tôi đi quán bún đỏ ở hè phố, lại một dịp được thấy thủ phủ cao nguyên thật nhiều cảm xúc. Là biết thêm món bún đỏ bán hè phố, đứa cháu trai bảo cô nhất định nên thưởng thức món bún đỏ ở Buôn Ma Thuột. Tôi bảo “Cô đến đây nhiều chưa nghe món bún này nhỉ, hay là món mới?”. Cháu bảo “Không cô ơi, món cũ và là món tủ của Buôn Mê đó ạ”. Tôi cười ngượng, hóa ra mình chưa biết món ăn dân dã này. Khi thưởng thức, thì thật là tuyệt vời với bát bún ngon mắt từ thị giác đến vị giác. Tôi gật gù khen ngon, bảo cô ít khi ăn hết bát bún mà nay ăn sạch. Miếng chả bò, miếng thịt bò, lá hành tươi xanh thơm... Một món ăn hè phố nhưng chứa đựng tâm hồn, tình cảm của miền nắng gió Tây Nguyên. Chỉ 50.000 đồng cho hai bát bún to.
Tôi bâng khuâng giữa phố đêm Buôn Ma Thuột mường tượng đến mảnh đất này đã từng là nơi dừng chân của các bậc quân vương thời Nguyễn là vua Bảo Đại. Dinh thự của ngài giờ là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, là bước chân của nhiều người ngoại quốc có thế lực đã đến đây từ đầu thế kỷ 20, là bước chân của những cư dân mới từ mọi miền Tổ quốc đã tụ về đây sau chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến đường phố có tên Y Ngông theo lời hẹn của nhà thơ Phạm Doanh. Ngồi hàn huyên giữa vườn ca cao nghe tiếng sầu riêng chín rụng lộp bộp sau lưng. Giữa vườn cây đầy hoa quả và tiếng chim hót véo von, tôi và nhóm bạn của nhà thơ Phạm Doanh cà kê chuyện phố, chuyện làng, chuyện văn chương. Phạm Doanh nguyên là cán bộ Nhà máy Điện Uông Bí đã chuyển vào sống ở Buôn Ma Thuột gần nửa thế kỷ. Nhà thơ Hồng Chiến cũng đến Buôn Ma Thuột khá sớm, anh từ Thanh Hóa vào dậy học rồi trở thành người viết văn chuyên nghiệp và các anh đều gắn bó với Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk lâu dài. Mỗi người đều có những lý do riêng, đã đến và ở lại với Tây Nguyên xa ngái này. Cùng dự cà phê có nhà văn Phùng Đỗ Trọng, tác giả tập truyện có tên Núi rừng im lặng vừa xuất bản mang tặng tôi. Phùng Đỗ Trọng cùng quê Hải Dương với tôi. Anh nguyên là phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk. Giữa vườn ca cao chín, chúng tôi như chìm vào vô vàn câu chuyện của ngày hôm nay, của ngày hôm qua. Chiến tranh, trang viết, người lính và tập tục văn hóa ở mảnh đất này.
Trong không gian ấy, ngồi lan man với các bạn văn, tôi biết thêm có món sinh tố ca cao. Thứ ca cao ở nơi này rất nổi tiếng, có giá trị kinh tế cao. Nếu đến đây chỉ thưởng thức cà phê thì chưa đủ, mà phải có thời gian để nhâm nhi cốc ca cao nóng và cốc sinh tố làm từ ca cao tươi. Ca cao tươi làm sinh tố tôi lần đầu thưởng thức, nó rất lạ bởi mùi vị và cái chất dìu dịu man mát chứ không ngọt sắc như loại quả khác.
Tây Nguyên lạ và quen
Tôi nói thế vì trước kia chưa tách tỉnh thì Đắk Lắk và Đắk Nông là một, sau tách tỉnh thì có Đắk Nông, thủ phủ tỉnh là thị xã Gia Nghĩa bé nhỏ như chênh vênh nằm trên những dẫy núi đất nhấp nhô như sóng lượn, là tôi cứ hình dung đó là một thị xã như cô gái còn ngái ngủ. Lạ vì Đắk Nông là tỉnh mới, nhưng quen vì có những người thợ mỏ vùng than Quảng Ninh đã đến và ở lại đây với dự án alumin Nhân Cơ, hoặc gọi đúng tên thứ quặng quý giá ấy là bô-xit!
Ấy là khi tôi đến vào mùa hè năm 2009, chứ bây giờ thị xã đã lên thành phố có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, đang ngày một khẳng định vị thế trong vùng Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Nông có đường biên giới giáp Campuchia, có Công viên địa chất toàn cầu, với hồ thủy điện Tà Đùng được ví như một Hạ Long trên cạn. Du khách đã tìm đến đây chiêm ngưỡng cảnh đẹp hồ trên núi rất đông. Một cảnh tượng huyền ảo như Vịnh Hạ Long bày ra trước mắt ta từ trên cao, bao quanh là những dẫy núi xanh ngắt cây lá, bên dưới khoảng hồ thủy điện kia cũng mấp mô những mỏm núi nhỏ tạo nên một hình ảnh vô cùng diễm lệ giữa bao quanh là núi non hùng vĩ.
Vùng tài nguyên có quặng bô-xit mà một đơn vị của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đang đứng chân ngay ngoại vi thành phố Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắk Nông, nơi đây những người con là thợ mỏ Than Quảng Ninh là những lớp người đầu tiên đến để làm nhiệm vụ xây dựng nhà máy, bắt đầu tạo nên một vùng văn hóa thợ mỏ trong vùng công nghiệp mới toe cho Đắk Nông từ trên dưới 20 năm qua. Công ty Nhôm ngày một phát triển, sản phẩm quặng bô-xit ngày một có giá trên thị trường quốc tế, đời sống công nhân ngày một tốt lên. Quan trọng hơn là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp thêm cho miền đất bazan này một vùng văn hóa mới, tạo điều kiện cho bà con dân tộc trên địa bàn có cơ hội làm việc và hưởng thụ những thành quả đổi mới từ khi doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV không chỉ của Tập đoàn mà còn là của thành phố, của tỉnh Đắk Nông.
Khi chúng tôi rời huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk vượt đèo Chuối sang huyện Đam Rông thuộc tỉnh Lâm Đồng, con đèo dài vòng vèo lên xuống cứ khiến tôi nhớ mãi chuyến đi năm 2009. Khi đó đường hoang vắng hơn, xe cộ ít ỏi, giờ thì mật độ xe cộ đi dầy hơn. Đam Rông là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng, là một trong ba huyện mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đỡ đầu theo dự án 30A xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của Nhà nước. Nhớ chặng đường đã đi qua, và lại nhớ câu chuyện sớm nay với chị bán nước ở ven hồ Lắk. Chị kể, chị quê Nam Định, theo người em vào làm ruộng. Giờ chị đã có cả khu quán đủ các mặt hàng bán cho khách du lịch đến hồ Lắk. Chị bảo hơn 20 năm trước đến đây thì cứ coi như… mất quê, vì mỗi lần về quê là một lần cực nhọc mới về tới quê nhà. Còn bây giờ đời sống tốt rồi, chỉ hơn 30 phút đồng hồ ô tô chạy là chị đã đến sân bay Buôn Ma Thuột. Nghe câu chuyện giản dị của chị với chất giọng miền biển Nam Định như còn giữ nguyên tôi thấy mừng cho chị và gia đình chị đã đến lập cư, ở lại và tạo ra cả dãy phố ven hồ từ ăn, nghỉ đến các dịch vụ du lịch hồ Lắk.
Nhưng mỗi câu chuyện tôi gặp ở miền đất này đều chứa đựng biết bao những dấu chân, trí tuệ của bao lớp người đã đến và ở lại, họ đã tạo nên một hình dung mới về miền đất chỉ có voi, có sông suối mênh mang giữa một trời cao nguyên thừa gió, thừa nắng. Họ là công nhân mỏ than từ vùng than Quảng Ninh giàu đẹp vào với Alumin Đắk Nông, họ là chị nông dân từ Nam Định vào lập nghiệp, họ là những người dân bản địa giàu có ở “làng nhà giàu” người Ê Đê trong thành phố Buôn Ma thuột… Tất cả đã làm nên một bức tranh Tây Nguyên hôm nay đầy sắc màu và vô cùng mạnh mẽ. Là vùng đất vô cùng hấp dẫn với vẻ đẹp hùng vĩ không chỉ ở những dòng thác dựng đứng, là những đàn voi ở Bản Đôn, là bầu trời xanh thẳm, là miền đất đỏ bazan cứ hồng rực mỗi buổi hoàng hôn hay ban mai trên miền cao nguyên này.
Ghi chép của VŨ THẢO NGỌC
Liên kết website
Ý kiến ()